Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Một số đề xuất về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Cù Lao Chàm

Từ ngày 13 - 22/4/2014, chương trình điều tra, khảo sát, đánh giá, đề xuất hướng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Cù Lao Chàm đã được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiến hành ở Cù Lao Chàm nhằm phục vụ chương trình 69/CT-UBND ra ngày 16/7/2013 của UBND thành phố Hội An về Phát triển du lịch xã đảo Tân Hiệp từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Qua kết quả khảo sát tổ chức thực hiện chương trình đã đưa ra một số đề xuất về giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở phi vật thể ở Cù Lao Chàm như sau:
          
         a. Giải pháp nghiên cứu bảo tồn, phát huy: Tăng cường công tác nghiên cứu sâu sắc hơn, hệ thống hơn về di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan danh thắng. Nghiên cứu, tạo ra một số loại nước uống từ các loại cây thuốc nam có vị hấp dẫn để quảng bá rộng rãi cho du khách. Nghiên cứu một số mẫu mã túi xách, bao bì... đan bằng cây ngô đồng để đa dạng hoá sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời đẩy mạnh phổ biến các kết quả nghiên cứu, quảng bá các giá trị tài nguyên, văn hóa bằng các ấn phẩm sách, sách ảnh, tờ gấp...  để người dân nhận thức rõ hơn giá trị của di sản văn hóa mà mình đang sở hữu.

          Đồng thời cần có sự tư vấn, hướng dẫn về chuyên môn cho người dân giới thiệu về tên khoa học của cây, dược tính, công dụng, cách thức, thời gian sử dụng của cây lá Lao, động vật rừng... để đảm bảo an toàn cho du khách khi sử dụng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh đó cần quản lý tốt công tác kinh doanh, biển hiệu, nhãn hiệu, hỗ trợ người dân đăng ký thương hiệu một số sản phẩm như: lá lao, võng ngô đồng, hải sản khô

          Qua kết quả điều tra, cần quan tâm phát huy một số lễ hội được nhân dân Cù Lao Chàm coi trọng là Lễ kỳ yên, Thanh minh, Lễ cầu ngư, lễ cúng Tiền hiền, Lễ Phật Đản, Vu Lan… Đưa các món ẩm thực là Rong mứt biển, Rau rừng, Bánh ít, su sê, Chè môn sáp, Cua đá, rượu tắc kè, bào ngư, rượu sâm núi, rượu nhàu, nước dứa dại, nước hà thủ ô vào danh mục ẩm thực phục vụ phổ biến cho khách du lịch. Quan tâm nghiên cứu, bảo tồn phát huy nghề trồng lúa ở Cù Lao Chàm để đảm bảo một phần lương thực tại chỗ và quan trọng hơn là để giới thiệu thêm về nghề nông ở Cù Lao Chàm đến với du khách. Đối với nông nghiệp, các thửa ruộng bậc thang Bãi Ông, Ruộng Chùa Bãi Làng cần được bảo tồn để trồng lúa, phục vụ tham quan theo hình thức nông dân kết hợp với doanh nghiệp du lịch hoặc doanh nghiệp chủ đầu tư.

            Điều đặc biệt là qua kết quả khảo sát, cần quan tâm đề nghị công nhận một số hình thái văn hóa phi vật thể như nghề khai thác yến Thanh Châu, hái lá lao, đan võng ngô đồng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

          b. Về giải pháp chính sách, qui hoạch: Các sự cơ quan chuyên ngành cần có sự thống nhất tham mưu cho chính quyền các cấp để qui hoạch, phân vùng bảo tồn, khai thác rừng, biển, công bố danh mục động, thực vật cấm/hạn chế/được khai thác. Qua đó, giúp cho người dân khai thác thuỷ sản, lá lao, rau rừng, ngô đồng... đúng qui định, hạn chế khai thác tràn lan, gây cạn kiệt tài nguyên.

         c. Giải pháp về nguồn nhân lực: Có chính sách ổn định dân cư, đào tạo nhân lực để kế nghiệp một số nghề mang tính đặc trưng như: nghề đan võng ngô đồng, hái rau rừng, làm bánh ít. Sử dụng có hiệu quả những người đan võng ngô đồng phục vụ trình diễn cho du khách, chia sẻ lợi ích đầy đủ để đảm bảo cuộc sống người đan võng. Bên cạng đó, người dân cần tự giác nâng cao khả năng thích ứng với bối cảnh du lịch, làm du lịch cộng đồng từ khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, khả năng nắm bắt và giới thiệu qui trình hành nghề, hướng dẫn cho du khách về sản phẩm, về cảnh quan sinh thái.

          d. Giải pháp về phát triển du lịch: Cần quan tâm du lịch trải nghiệm: rừng, biển, suối, nghề hái lá thuốc nam, nghề hái rau rừng, nghề đánh bắt hải sản để có thể phát huy đầy đủ, hiệu quả di sản văn hoá phi vật thể và cảnh quan. Mở rộng tour tuyến tham quan theo hướng: kết hợp giữa du lịch văn hoá với du lịch biển, du lịch rừng theo hướng trải nghiệm, home stay với sự tham gia của cộng đồng và nới dài ngày tham quan. Trong tương lai 5 năm đến, cần từng bước có biện pháp lựa chọn đối tượng du khách trung lưu, cao cấp đến tham quan Cù Lao Chàm thông qua hình thức nâng cao giá vé, nâng cao chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đón tiếp và điểm đến. Trong tương lai gần, cần xây dựng một số điểm tham quan nhất định để đưa vào bán vé tham quan.

         Cụ thể là tạo nên ở Bãi Ông, Bãi Hương một điểm du lịch kết hợp: Tắm biển, nghỉ dưỡng, tham quan di tích cảnh quan đặc thù, điểm dừng chân. Có giải pháp mở rộng các điểm di tích, đưa du khách đến thường xuyên các di tích . Xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với nếp sống, sinh hoạt văn hóa của người dân biển đảo, cù lao.
 
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây