Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Dấu tích chính sách văn hóa của triều Nguyễn tại Hội An

Để an dân, ngoài các bộ luật được soạn thảo và đưa vào sử dụng, triều Nguyễn cũng có các chính sách khuyến khích nhân dân làm việc thiện. Những gương điển hình làm các việc nghĩa, như giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ nhân dân trong thiên tai, những người phụ nữ biết giữ gìn tiết hạnh đã được biểu dương khen thưởng… Trong bài viết này chúng tôi khảo cứu chính sách khuyến thiện của triều Nguyễn tại Hội An, dựa vào những tư liệu điền dã thực tế và các văn bản, thư tịch của triều Nguyễn nhằm phác họa những nét cơ bản nhất về chính sách này.
          Việc khuyến khích nhân dân làm việc thiện đã được chú trọng thực hiện từ những năm đầu đời Gia Long (1802 - 1820), nối tiếp đến đời Minh Mạng (1820 - 1840) được liên tục bổ sung, hoàn thiện và ban bố cụ thể hơn. Năm Minh Mạng thứ 3, vua xuống dụ: “tôi trung, con hiếu, gái tiết, trai nghĩa, người dân trong nước phải nên khuyến khích. Từ xưa, nêu cao người hiếu, biểu dương người liêm, là để rèn luyện tục dân, sáng tỏ giáo hóa. Trẫm kính nối cơ đồ vinh quang, mở rộng đường lối chính trị. Phàm có trung thần phong cho thờ cúng, liệt nữ, thưởng biển nêu khen, có đủ cả điển lệ. Nhưng hiếu tử (người con có hiếu), nghĩa phu vẫn chưa được biểu dương, như thế là đường lối dạy dân thành tục tốt, còn lo chưa được đầy đủ. Chuẩn từ nay các thành, doanh, trấn đều nên để tâm tìm tòi. Phàm dân gian có hiếu tử đối với cha mẹ, thực hành rõ rệt, như loại sớm tối hầu thăm, trước biết ý mà thuận theo, việc sống nuôi, chết chôn đều phải hết đạo, trong làng xóm đều khen là hiếu tử, nghĩa phu, thấy tài lợi, lòng không chuyển động, như loại được vàng trả chủ, không hám lợi một cách cẩu thả, khi từ hay nhận, lấy hay cho, đều hợp với nghĩa, mà già trẻ đều tin là người liêm. Cho phép hương lý kê rõ họ, tên, tuổi và quê quán, cam kết nhận thực. Quan trấn hạt ấy trình bày thực trạng cùng lời xét khai làm tờ tâu, do bộ Lễ tâu lên đợi chuẩn nêu thưởng để xứng với ý tốt của trẫm dạy bảo uốn nắn phong tục.[1]

          Đến năm 1834, vua Minh Mạng ban hành Thánh dụ huấn địch thập điều quy định các chính sách văn hóa giáo dục của triều đại, trong đó có đề cập đến vấn đề khuyến thiện trong dân chúng: “lâu nay, trẫm đặc biệt ban thưởng cho những tiết phụ trinh nữ ở các địa phương, hoặc cho kiến lập từ sở, hoặc đem ban phát biển ngạch, để khuyến khích những người trinh tiết trong thiên hạ. Mong các người là phụ mẫu, huynh trưởng, các người biết giáo hối tử đệ, nam giới thì lấy lễ phép ngăn mình, nữ giới thì dùng trinh tiết giữ mình, cái tình giữa nam nữ chính đáng, thì trăm ơn phúc đã tập trung ở đấy vậy.”[2]
 
 
                                     
              
 Biểu Hiếu Nghĩa Khả Phong ban cho Ông Trịnh Lân vào đời Tự Đức - Nhà số 43 - Trần Phú - Hội An - Ảnh: Đức Chí
 
          Hiện nay, chúng ta thấy ở một số nhà dân, từ đường của các tộc họ ở Hội An có treo các tấm biển (hoành phi) của Triều đình ban tặng (sắc tứ) đề các dòng chữ như: nhà số 43 đường Trần Phú có tấm biển “hiếu nghĩa khả phong - 好 義 可 封”- người hiếu nghĩa đáng phong thưởng, do triều đình ban cho ông Đặng Lân vì đã có công cứu đói dân trong thiên tai, biển đề vào năm Tự Đức Thứ 33, hay tại nhà số 117 đường Trần Phú có tấm biển sắc tứ “tiết hạnh khả phong - 節 行 可 封- người có tiết hạnh đáng phong thưởng, ban cho Tạ Thị Yến người xã Minh Hương, tổng Phú Triêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào năm Khải Định thứ 4 với lý do bà Tạ Thị Yến là người có tiếng có tiết hạnh, nên được ban thưởng để khuyến khích. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hội An còn có một số gia đình tộc họ khác sở hữu các tấm biển do triều đình sắc tặng mang các nội dung khác như “hiếu thuận khả phong - 好 順 可 封” - người hiếu thuận đáng phong thưởng, “hiếu hạnh khả phong - 好 行 可 封” - người hiếu hạnh đáng phong thưởng, “trinh tiết khả phong -貞 節 可 封” - người có trinh tiết đáng phong thưởng… những tấm biển này chính là những hiện vật còn sót lại của chính sách khuyến thiện, một chính sách văn hóa được Triều Nguyễn chú trọng thực thi nhằm mục đích an dân, ổn định xã hội, cố kết cương thường theo tư tưởng của Nho gia. Chính điều đó đã góp phần trực tiếp kết nối các nếp văn hóa truyền thống của dân tộc từ các triều đại trước cho đến ngày hôm nay.

         Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, ở các gia đình, tộc họ ở Hội An còn lưu giữ được 5 hoành phi thuộc thể loại này. Tất nhiên, các hoành phi này có khung niên đại từ 1802 đến 1945. Trong quá trình khảo cứu, việc xác định người được ban sắc tứ và công trạng của người đó gặp nhiều khó khăn, vì trên nhiều tấm biển không khắc tên, có trường hợp có khắc tên thì cũng không truy tìm được sự tích.

          Các hiện vật văn hóa đó không chỉ có giá trị về mặt cổ vật, quan trọng hơn nó còn phản ánh truyền thống hiếu nghĩa của nhân dân Hội An. Trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ cần bảo tồn và phát huy tốt những hiện vật này, đồng thời khảo cứu thêm để nhận diện đầy đủ việc thực hiện chính sách khuyến thiện của Triều Nguyễn ở Hội An và những dấu tích còn bảo lưu góp phần giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương./.
 
 

[1] Nội các triều Nguyễn, khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 101,  Nxb Thuận Hoá, 2005.
[2] Thánh dụ huấn địch thập điều diễn nghĩa ca, Lê Hữu Mục dịch, quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1971.

Tác giả: Ngô Đức Chí

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây