Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Cây Đa - Da Kèn ấp Xuân Lâm

Cây Đa - Da Kèn ấp Xuân Lâm
Cây Da Kèn là cây đa nằm trên vỉa hè cạnh nhà số 42 đường Trần Hưng Đạo, phía Đông đình ấp Xuân Lâm. Cây đa này thuộc giống đa lá đỏ, tên khoa học là Ficus superba Miq var. Theo kết quả nghiên cứu khoa học, đa có nguồn gốc từ Ấn Độ, Đông Nam Á. Tại Việt Nam cây đa được du nhập vào từ rất lâu và được trồng tại nhiều đình, chùa và khu vực làng quê. Ý nghĩa biểu trưng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Cây đa còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của con người. Dưới gốc đa, người Việt xưa hay dựng miếu thờ. Những bình vôi, ông địa, bát hương, thay vì vứt bỏ người ta thường đem đến để ở gốc cây đa.
          Hiện nay chưa có tài liệu nào xác định thời điểm cây Da Kèn được trồng, song theo dân gian kể lại thì cây có từ mấy trăm năm trước. Theo một số vị cao niên sống gần khu vực cây Da Kèn cho biết ông bà, cha mẹ kể lại rằng trước đây toàn bộ khu vực từ đường Hai Bà Trưng xuống đến Bưu điện Hội An ngang qua miếu Ông Cọp là rừng cây um tùm, dân cư sinh sống thưa thớt. Trong thời kỳ Pháp thuộc khu vực này mới được khai mở nhiều tuyến phố, nhà ở, các công trình kiến trúc tôn giáo, quân sự, đồn lính… Ở khu vực gần đình ấp Xuân Lâm có cây đa rất lớn, cành lá um tùm, tỏa bóng mát trên diện rộng mà trong bài viết “Cây cối ở Hoài Phố - cây da kèn” của nhà nghiên cứu Trương Đình Quang đề cập: “Phố Hội, ngay đầu phố Trần Cao Vân có cây da kèn. Cái tên nghe là lạ. Ngày xưa, người Hoài Phố không có cái tên ấy. Là cây da chùa ấp Xuân Lâm”. Điều này cho thấy trước đây người ta gọi với cái tên khác nữa là cây da tại đình Xuân Lâm. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, có đội kèn Tây phục vụ trong đồn lính Pháp ở Hội An thường xuyên tụ họp dưới gốc cây đa này để tập luyện các bài nhạc. Theo nhà nghiên cứu Trương Đình Quang, đội lính này là “… Các quan lính khố xanh, còn có tên là lính tập, ngày ấy, ngang lưng thì thắt bao vàng, đầu đội nón dấu vai mang súng dài… Đội lính lấy chỗ gốc cây đa làm nơi thổi kèn. Thế là có tên cây da kèn...”. Theo một số vị cao niên cho biết đội kèn tập trước đây có khoảng 12 đến 14 người, tuổi tầm 38 đến 60 tuổi. Thời gian tập luyện buổi sáng từ 7h đến 11h; buổi chiều từ 14h đến 16h. Đội kèn thường tập các bản nhạc để phục vụ trong các dịp lễ, nghi thức chào cờ, duyệt binh, tiếng kèn Tây cứ thế đánh thức sôi động cả một vùng, luôn luôn gây sự chú ý cho nhiều người. Và trải qua thời gian, để dễ nhớ, người dân gọi cây đa này là cây Da Kèn.  

        Cây Đa cao chừng 20m, đường kính ở vị trí 1,3m là 4,1m. Rễ phụ từ các cành cây mọc thòng xuống và phát triển thành thân cây thực thụ khi chúng chạm tới mặt đất. Lá cây Da Kèn hình bầu dục, bề mặt lá nhẵn, mặt dưới lá có đường sống lá, cuốn lá dài khoảng 4cm. Trái cây hình tròn mọc chi chít từ các nhành  nhỏ, khi còn non có màu xanh, trái già chín có màu đà sậm. Trên cây Da Kèn có một số cây nhỏ sống ký sinh xung quanh. Gốc cây phần rễ nằm sát nhà số 42 đường Trần Hưng Đạo được xây tường gạch cao gần 1m bao quanh, bên cạnh đó còn có một khám thờ nhỏ thờ âm linh. Các tán cây to tỏa đều xung quanh, cành lá sum suê, cây sinh trưởng phát triển tốt. Để bảo vệ cây, cũng như bảo vệ người dân sinh sống lân cận cây đa, hằng năm vào mùa mưa bão, cây được chặt tỉa các cành, nhánh già, khô dễ gãy.

          Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố Hội An (28/3/1975 - 28/3/2015), vào ngày 27/3/2015, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiến hành tôn tạo cảnh quan và đặt bia thông tin nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của cây Đa. Bia đặt trên bệ nằm sát gốc cây, làm bằng đá màu đen, chữ khắc màu vàng.
 


Lễ khánh thành đặt bia thông tin cây Đa - Da Kèn

         Cây đa gắn liền với hình ảnh của làng quê Việt Nam qua những hình tượng như “cây đa, giếng nước, sân đình” hay “cây đa, bến nước, con đò”. Cây Da Kèn cũng nằm trong những đặc thù trên bởi nằm cạnh phía Đông đình ấp Xuân Lâm. Trong hốc cây có những đồ vật thờ tự người ta không dùng và đem đến đặt tại đây. Cây Da Kèn không chỉ có giá trị về mỹ quan đô thị mà còn góp phần làm tăng tính uy nghiêm, sự linh thiêng bên cạnh di tích đình ấp Xuân Lâm, nơi lưu giữ những ký ức về một quá trình hình thành và phát triển của Hội An qua các thời kỳ và là địa chỉ văn hóa quen thuộc của người dân Hội An. Cây Da Kèn đã được UBND thành phố Hội An đưa vào Danh mục Cây cổ thụ theo Quyết định số 2627/QĐ - UBND ngày 14/11/2014. Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy cây Da Kèn nói riêng và các cây cổ thụ trên địa bàn thành phố nói chung.
 
 
 
 

Tác giả: Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây