Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Lễ tiếp nhận hiện vật và khai trương Phòng trưng bày “Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm”

Vừa qua, với sự quan tâm đề xuất, hỗ trợ và tạo điều kiện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 03/6/2022 UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1522/QĐ-UBND chuyển giao 103 hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích tàu đắm cổ Cù Lao Chàm đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam về Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An nhằm bảo quản và phát huy lâu dài.
chu dau
Quang cảnh phòng trưng bày - Ảnh: Phòng Bảo tàng
 
      Ngay sau khi tiếp nhận số hiện vật trên, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã khẩn trương triển khai xây dựng hồ sơ hiện vật, ban hành Quyết định nhập hiện vật Bảo tàng Hội An. Song song với đó, Trung tâm cũng đã tuyển chọn những hiện vật tiêu biểu để thiết lập phòng trưng bày chuyên đề “Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm”. Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, vào sáng ngày 23/11, tại Bảo tàng Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức khai trương phòng trưng bày chuyên đề “Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm” để giới thiệu đến công chúng.
 
ban gom chu dau
Quang cảnh phòng trưng bày - Ảnh: Phòng Bảo tàng
 

      Những cổ vật gốm Chu Đậu khai quật từ di tích tàu đắm cổ Cù Lao Chàm được trưng bày giới thiệu tại đây có niên đại vào thế kỷ XV, thuộc nhiều loại hình gồm chén, bát, đĩa, hộp hũ, bình, tước,… có phương pháp và kỹ thuật chế tác đã đạt đến trình độ cao, được chuốt bằng bàn xoay, sau đó được trang trí và tráng men. Các hiện vật được trang trí chủ yếu bằng các hình thức vẽ, khắc, đắp nổi kết hợp chạm thủng, được tráng hoặc trang trí nhiều loại men khác nhau, phổ biến là các loại men trắng, hoa lam, men ngọc, xanh lục, vàng nhạt, men rạn và men tam thái. Những họa tiết, hoa văn chủ yếu trên dòng gốm này được thể hiện tinh tế, mềm mại, cân đối, hài hòa với các đồ án trang trí về các loại hoa sen, cúc, đào; cây cỏ, chim, cá; cảnh thiên nhiên, làng quê dân dã; hoạt động thường nhật của con người như hình người đội nón, người câu cá trên sông,... tất cả đều thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

      Từ những hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ con tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm được trưng bày tại đây phần nào giúp chúng ta hình dung được sự phát triển mạnh mẽ của đồ gốm Việt Nam trên con đường mậu dịch quốc tế, cũng như vai trò vị trí Cù Lao Chàm - Hội An trên tuyến đường hàng hải quốc tế trong nhiều thế kỷ trước.

      Hy vọng rằng phòng trưng bày chuyên đề “Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm” sẽ góp phần tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với Bảo tàng Hội An nhiều hơn trong thời gian đến. Qua đó, sẽ hiểu sâu và yêu quý hơn các giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước và con người Việt Nam nói chung, Khu phố cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới nói riêng.
 

Tác giả: Thị Tuấn

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây