Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Việt Nam lập hồ sơ “Tục chơi Bài Chòi mùa xuân của người Việt” đệ trình Unesco

(Cinet-DSTG) - Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng, lập hồ sơ “Tục chơi Bài Chòi mùa xuân của người Việt” đệ trình Unesco đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thế đại diện của nhân loại thời tới đây.

         Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ VHTTDL đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố có di sản Bài Chòi gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đề nghị phối hợp với Bộ VHTTDL trong công tác xây dựng và lập hồ sơ “Tục chơi Bài Chòi mùa xuân của người Việt” đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bộ VHTTDL cũng đã giao cho Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm lập hồ sơ và địa phương chủ trì xây dựng hồ sơ là tỉnh  Bình Định.


 
        Được biết thời gian lập hồ sơ dự kiến từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2014, theo kế hoạch Hồ sơ “Tục chơi Bài Chòi mùa xuân của người Việt” sẽ được gửi tới Unesco để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho kỳ xét duyệt năm 2016.
 


 Tục chơi Bài Chỏi mùa xuân của người Việt là một loại hình kết hợp giữa trò chơi dân gian và
biểu diễn âm nhạc dân tộc...Hội chơi Bài Chòi từ lâu đã trở thành một hình thức
sinh hoạt quen thuộc và hấp dẫn của người dân miền Trung

       Tục chơi Bài Chòi là một sáng tạo độc đáo giữa trò chơi với âm nhạc dân gian đặc sắc của dân tộc, nghệ thuật này phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ, là tiền thân của sân khấu kịch hát cùng tên. Sau những thăng trầm, Hội đánh Bài chòi đã được phục hồi ở một số địa phương. Theo các nhà nghiên cứu chơi bài chòi và hát dân ca bài chòi đã ra đời rất sớm ở tỉnh miền Trung này, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, giao thoa văn hóa và sự sáng tạo nghệ thuật của người dân. Trải qua những thăng trầm lịch sử nghệ thuật này trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân miền Trung, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.

        Trong hồ sơ được xây dựng sắp tới đây, pham vi đề cử cho di sản gồm 11 tình, thành phố miền Trung từ Quảng Bình tới Bình Thuận.

 

Tác giả: NLH

Nguồn tin: disanthegioi.info

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây