Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Lịch sử - Văn hóa

Từ sau Hội thảo quốc gia vào tháng 7/1985, Hội thảo quốc tế vào tháng 3/1990 về Hội An cho đến nay, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã xây dựng được một hệ phả về tiến trình, diện mạo lịch sử - văn hóa các lớp cư dân Hội An mà chúng ta có thể khái quát nhận biết qua từng thời kỳ đó là:
1.Thời kỳ cư dân Sa Huỳnh đến Champa
         
Dấu tích dân cư cổ xưa nhất ở Hội An được phát hiện trên Bãi Ông, thuộc Hòn Lao, Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) (1). Đây là lớp cư dân bản địa thời Tiền sử, được các nhà khảo cổ học xếp vào giai đoạn văn hóa với thuật ngữ "Tiền Sa Huỳnh" ở miền Trung, Việt Nam. Di tích có niên đại cách ngày nay trên 3.000 năm, liên quan đến thời Tiền sử của cư dân Xứ Quảng và cả chuỗi Nam đảo ở Đông Nam Châu Á. Tiếp nối là cả một hệ thống địa chỉ văn hóa khảo cổ học về cư dân thuộc phức hệ văn hóa Sa Huỳnh muộn (giai đoạn hậu kỳ) khá điển hình ở miền Trung - Việt Nam có niên đại cách ngày nay ± 2.000 năm. Những khu di tích mộ táng và di chỉ cư trú của cư dân thời kỳ này được phân bố tập trung cơ bản trên một dải cồn cát dài khoảng 5 km, dọc theo một dòng chảy cổ hướng từ Tây sang Đông (địa danh hiện nay gọi là Rọc Gốm ở Thanh Hà) (2). Thông qua hệ thống phân bố các di tích khảo cổ học thời kỳ này có thể thấy rõ tính chất phân bố dân cư men theo dòng chảy/sông, đồng thời phát triển, chuyển dời theo hướng Nam, Đông Nam. Và cũng thể hiện rõ yếu tố sông - nước, cồn - bàu hay yếu tố nông nghiệp của cư dân Sa Huỳnh trên địa bàn Hội An. Hơn nữa các dòng chảy/sông này, đương nhiên có cội nguồn núi - trung du ở phía Tây Quảng Nam, cùng hội tụ về Cửa Đại thông ra biển cả. Điều này, khẳng định khả năng về yếu tố giao lưu văn hóa trong vùng, trong khu vực của văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An (3).
 
thoi ky sa huynh Hien vat Bai Ong

Hiện vật được khai quật ở  Di chỉ Bãi Ông - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

Thông qua các di cốt phát hiện trong các di tích khảo cổ các nhà khoa học xếp lớp cư dân này vào chủng Mê-la-nê- diêng, thuộc các tộc người Mã Lai - đa đảo ở Đông Nam Á. Hơn nữa, cùng với số lượng phong phú về hiện vật cả về loại hình và chất liệu đã minh chứng về sức sản xuất đã phát triển cao của cư dân cổ Sa Huỳnh. Họ là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, biết khai thác những sản vật của sông nước, biển, biết dệt vải, rèn sắt, làm đồ trang sức, biết chế ra nhựa thực vật để gắn nắp với miệng chum/quan tài,... Sản xuất phát triển, của cải vật chất ngày càng nhiều dẫn đến sự phân hóa xã hội thể hiện qua hiện vật được chôn theo trong quan tài/chum: Có chum nhiều đồ sắt... có chum chỉ có đồ gốm. Đặc biệt, trong các di tích có sự xuất hiện của những đồng tiền Trung Quốc (Ngũ Thù, Vương Mãng); Gốm có hoa văn ô vuông kiểu Hán; Hay những hiện vật sắt kiểu Tây Hán, hoặc có dáng dấp văn hóa Đông Sơn (ở phía Bắc), Óc Eo ở phía Nam và rộng hơn ở trong khu vực Đông Nam Á; Hoặc những nguyên liệu thủy tinh từ Nam Ấn Độ, Trung Quốc... Tất cả đã thể hiện do tính chất sông - biển và vị trí thuận lợi cho giao lưu văn hóa qua lại của Hội An vào thời kỳ này quyết định. Có thể nói, vào giai đoạn: trước, sau Công nguyên - cách đây khoảng 2.000 năm, Hội An đã là tiền cảng thị hay cảng thị sơ khai (Preport - town or Embryonary port town) là tiền đề cho sự hình thành những tiểu vương quốc Champa vào những thế kỷ đầu Công nguyên.
 
thoi ky sa huynh 2

Mộ chum văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
Kết quả nghiên cứu khoa học những năm gần đây cho thấy rất rõ khu vực sông Thu Bồn - Xứ Quảng nói chung, Hội An nói riêng là một vùng quần cư của người Chăm vốn có bề dày lịch sử tiếp nối từ cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Người Chăm lập quốc với tên gọi là Lâm Ấp từ thế kỷ thứ II sau công nguyên, sau đổi thành Hoàn Vương hay Champa, chiếm giữ từ Hoành Sơn vào vùng cực Nam Trung bộ hiện nay cho đến thế kỷ thứ XV.
 
DSC 9528

Dấu vết kiến trúc Chăm ở Hội An - Ảnh Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
thoi ky champa2

Mối quan hệ giữa người Sa Huỳnh cổ với người Chàm về nguồn gốc dân cư đang còn là vấn đề được các nhà khoa học quan tâm lý giải. Người Chàm là hậu duệ, con cháu của người Sa Huỳnh cổ hay họ là nhóm cư dân từ vùng đảo ở Đông Nam Á tràn vào đây và lập lên nhà nước Lâm Ấp vào đầu công nguyên? Đây là vấn đề còn tiếp tục nghiên cứu. Song điều chúng ta có thể khẳng định rằng, trong các thời kỳ lịch sử của vương quốc Champa, Hội An chắc hẳn là một vị trí yết hầu quan trọng - chốn đô hội, điểm giao lưu kinh tế văn hóa bậc nhất, chí ít trong thời kỳ kinh thành Simhapura (kinh đô Trà Kiệu) của vương quốc này (4). Đặc biệt, theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng thì: Cù Lao Chàm - Cửa Đại - Hội An - Trà Kiệu - Mỹ Sơn cùng nằm trên một trục không gian văn hóa Tây - Đông... Người Chàm với cái nhìn về biển đã biết khai thác vị thế địa lý thuận lợi ở đây để xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa. Trung tâm Lâm Ấp Phố (tức là Phố của người Lâm Ấp) của vương quốc Champa chính là ở đây - khu vực Hội An.
 
thoi ky champa 5

Hiện vật gốm Islam, thủy tinh màu phát hiện ở di chỉ Bãi Làng - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
thoi ky cham 3 4

Từ sau năm 1989 đến nay nhiều di tích khảo cổ học liên quan đến cộng đồng dân cư Champa đã được phát hiện với nhiều thông tin khoa học quý giá, thể hiện rõ sự hiện diện của cư dân Champa có tiếp nối về kinh tế, văn hóa của cư dân Sa Huỳnh giai đoạn muộn ở Hội An, trong mối giao lưu mạnh mẽ với các nước trong khu vực và trên thế giới (5).

2.Thời kỳ đô thị thương cảng Faifo - Hội An
           
Sau sự kiện Huyền Trân Công chúa năm 1306, khu vực Hội An có một phần ở phía Bắc đã thuộc vào lãnh thổ của nhà nước Đại Việt. Nhưng trên thực tế, phần lãnh thổ này vẫn của người dân Chàm sinh sống, quản lý (6).

Đến năm Nhâm Ngọ 1402 (tức vào đời Hồ Hán Thương, năm Thiệu Thành thứ 2), vào tháng 3, vua cho "sửa đường sá từ thành Tây Đô đến Hóa Châu, dọc đường đặt phố xá để truyền thị, gọi là đường Thiên Lý". Rồi Thái Thượng Hoàng Hồ Quý Ly "tháng 7, cử đại binh đánh Chiêm Thành. Vua nước ấy là Ba - Đích - Lại dâng đất Chiêm động và Cổ Lũy động. Quý Ly nhận chia làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ bộ Thăng Hoa để cai trị... Đem những dân không ruộng mà có của dời đến ở Thăng Hoa biên làm quân ngũ, khuyên dân nộptrâu thì cho quan tước để lấy trâu cấp cho dân di cư" và "Người đến ở châu nào phải khắc tên châu ấy trên cánh tay hàm ý giữ đất đến cùng".
 
thoi ky thuong cang 2

Tranh "Giao chỉ chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ" của dòng họ Chaya - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
       
Như vậy, khác với sự kiện năm 1306, lần này sau khi nhượng đất, người Chàm rút đi rất nhiều và theo lệnh của nhà Hồ người Việt đã được di dân vào đây để lập nghiệp. Nhưng sự nghiệp của nhà Hồ sớm chấm dứt, không thể làm được gì hơn ngoài việc đưa dân đến đây sinh sống, bởi vào cuối năm 1406, quân Minh tràn sang xâm lược nước ta, cuộc chiến tranh vệ quốc do nhà Hồ lãnh đạo nhanh chóng thất bại, cho nên từ năm 1407 đến 1427 quân Minh thiết lập chính quyền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam. Trong khi đó quân nhà Minh vì nhiều lý do đã không đủ sức cai quản vùng đất mới chiếm được của nhà Hồ từ phía Nam đèo Hải Vân ngày nay trở vào nên "trong thời kỳ thuộc Minh đặt Thăng Hoa phủ... đồ tịch chỉ biên hư danh đó thôi, còn đất đai thì người Chiêm Thành chiếm giữ. Đến đầu thời Lê mới đặt làm đất Kymi (đất ràng buộc)". Ở thời kỳ này, cùng với phủ Thăng Hoa, Hội An là một mảnh đất tranh chấp, quyền quản lý về mặt nhà nước, khi thì thuộc Minh, Đại Việt khi thuộc Chàm. Người Việt cùng chung sống với người Chàm chắc hẳn phải khôn khéo, dũng mãnh và tế nhị để có được cuộc sống ổn định làm ăn. Do đó, chưa thể có được các làng xã người Việt công khai ra đời, có chăng mới chỉ đặt nền móng cơ sở cho dịp tốt sau này được hình thành.

Thực tế phải chờ đến năm 1471 đời Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức) đã đánh Chiêm Thành lấy lại đất này đặt làm Thừa Tuyên Quảng Nam và vua đã ban dụ rằng: "Đại Chiêm và Cổ Lũy trước là đất của ta, gần đây bị mất về nước Chiêm Thành, nay lấy lại được hết, sai các người trấn thủ, ai dám không theo lệnh thì chém trước tâu sau. Lại sai Đỗ Tử Quý làm Đồng tri châu coi việc quân dân Đại Chiêm, Lê Ỷ Đà làm Tri châu coi việc quân dân Cổ Lũy. Người Chiêm ai dám làm loạn thì cho chém trước tâu sau".

Đây là cơ hội để các làng xã ở khu vực Hội An nói riêng, ở Quảng Nam nói chung ra đời.

Nhiều nguồn tư liệu thư tịch và thực địa cho chúng ta có thể biết đến các làng xã ra đời sớm ở Hội An do kết quả sự biến động chính trị và dân cư nêu trên đó là: Làng Võng Nhi (7), Làng Cẩm Phô và Hoài Phô (8).
       
Việc di dân lập làng ở Hội An - xứ Quảng, Đàng Trong tiếp tục được diễn ra mạnh mẽ gắn với kế sách tạo nghiệp lâu dài của các chúa Nguyễn, với câu sấm truyền "Hoành Sơn nhất Đái, Vạn đại dung thân" bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, năm 1570 kiêm lãnh trấn Quảng Nam và tháng 7 năm Nhâm Dần - 1602 cho lập Trấn Dinh Quảng Nam vì xem: "chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận - Quảng... đồng thời sai công tử thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ", sau đó vào năm 1604 chúa Nguyễn Hoàng đã cho chia đặt lại hệ thống đơn vị hành chính của Thuận Quảng, tách huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong ra để lập phủ Điện Bàn. Vào thời kỳ này, trên thực địa nhiều bia ký, gia phả các tộc họ ở Hội An phản ánh rất rõ (9).

Đáng chú ý là vào đầu thế kỷ XVII đã xuất hiện trên đồ tịch, thư tịch, bia ký tên làng/xã Hội An như trong "Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư" của vị đại thần dưới thời Lê là Đỗ Bá vẽ (1630 - 1635), có ghi địa danh Hội An phố, Hội An đàm/đầm, Hội An kiều/cầu, Hội An khố/kho; Hay trên tấm bia "Phổ đà sơn linh trung phật" ghi tên những người cúng tiền/hương xây dựng chùa tại động Hoa Nghiêm - Ngũ Hành Sơn/Non Nước thì có 3 lần nhắc đến tên làng/xã Hội An. Tại Cù Lao Chàm (nay là xã đảo Tân Hiệp), qua khảo cổ và văn bia di tích cũng thể hiện rõ đây đã có cư dân Việt lưu trú từ thế kỷ XVII với địa danh như Cù Lao xứ (xứ Cù Lao), Tân Hiệp phường (phường Tân Hiệp - tức là phường trực lệ - tương đương với làng/xã thời phong kiến). Trên tấm bia tại đình Xuân Mỹ cũng cho biết làng này được hình thành vào thế kỷ XVII với nghề gương, lược bằng sừng (hàng xén). Đặc biệt, kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở Hội An cũng phản ánh khá sinh động và cho thấy vào thế kỷ XV đã xuất hiện cư dân Việt cư trú tại Hội An với số lượng di tích rất ít, nhưng tăng nhanh một cách đột biến vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XVIII - XIX.

 Những sự kiện nêu trên đã mở ra cho xứ Quảng nói chung và Hội An nói riêng một thời vận mới, về phát triển kinh tế - văn hóa và vai trò chiến lược về chính trị, quân sự của vùng đất này. Đặc biệt đã tạo nên sự biến động mạnh mẽ trên mọi mặt về góc độ dân cư (nguồn gốc, thành phần, quy mô dân số, cơ cấu...). Cả về sự hình thành và phát triển cực thịnh của đô thị thương cảng quốc tế Faifo - Hội An.

Có thể nói, từ thế kỷ XV đến năm 1945 ở khu vực Hội An số lượng dân cư (chủ yếu là tăng cơ học) và số làng/xã luôn tăng một cách khá nhanh. Dựa vào các kết quả nghiên cứu chúng tôi xin đưa ra bảng thống kê sau:
 
TT Khoảng thời gian - Thế kỷ Số Làng/xã Tên các làng/xã Ước tính số lượng dân sô10
1 XV 3 Võng Nhi, Hoài Phô, Cẩm Phô 750
2 XVI 6 Võng Nhi, Hoài Phô, Cẩm Phô, Thanh Hà, Hội An, Cổ Trai. 1.800
3 XVII 14 Cẩm Phô, Thanh Hà, Hội An, Thanh Châu, Xuân Mỹ, Kim Bồng, Đế Võng, Hoa Phô, An Mỹ, Tân Hiệp, Minh Hương, Hòa Yên, Phước Trạch, Đại An 5.600
4 XVII – cuối thế kỷ XIX 19 Cẩm Phô, Thanh Hà, Hội An, Thanh Châu, Xuân Mỹ, Kim Bồng, Đế Võng, Hoa Phô, An Mỹ, Tân Hiệp, Minh Hương, Hòa Yên, Phước Trạch, Đại An, An Thọ, Đông An, Phong Niên, Mậu Tài, Tân An. 7.600
 
Như vậy, các lớp lưu dân người Việt kế tiếp người Chàm, họ là một bộ phận cư dân cơ bản, chủ nhân chính của khối cộng đồng cư dân Hội An ngày nay. Trong buổi ban đầu vào đây họ chủ yếu sinh sống bằng các nghề cổ truyền là nông nghiệp - làm ruộng lúa nước, trồng các loại cây rau màu, hoa quả... Một số cư dân đã dựa vào địa thế biển rộng, sông ngòi chằng chịt ở đây khai thác đánh bắt hải sản (cá, tôm, mực)... và một số ngành nghề thủ công nghiệp như gốm, dệt, mộc... để phục vụ cho nhu cầu của buổi sơ khai đó. Có kết hợp nông nghiệp, ngư nghiệp và thủ công nghiệp từ đó tất nhiên có chợ, bến để trao đổi buôn bán giữa các làng với nhau và với thuyền buôn nước ngoài. Trên cơ sở có đứt gãy, gián đoạn mà cũng có tiếp nối truyền thống của người Chàm với người Việt trong làm ăn sinh sống, kỹ thuật khai thác, kỹ thuật sản xuất và kinh tế buôn bán, cùng các hình thức sinh hoạt kinh tế, văn hóa tương ứng.

Nói đến cộng đồng dân cư Hội An hay nói đến sự biến động dân cư, hình thành làng xã, đô thị ở Hội An không thể không nói đến sự nhập cư/chuyển cư/định cư do hoàn cảnh kinh tế, tỵ nạn chính trị của người Hoa và các thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Phương Tây và các nước ở Đông, Tây, Nam Á vào Đàng Trong - Hội An, góp phần quan trọng làm lên sự thịnh vượng, sầm uất của Đô thị thương cảng quốc tế Faifo - Hội An một thời.

Trong đó, người Hoa là một bộ phận cư dân quan trọng đứng thứ 2 (sau người Việt). Họ không chỉ góp phần to lớn đối với sự hình thành, phát triển đô thị thương cảng Hội An mà còn cả đối với quá trình hình thành sắc thái văn hóa của khối cộng đồng cư dân Hội An trong lịch sử. Vào đầu thế kỷ XVII, một tổ chức xã hội của cộng đồng người Hoa đầu tiên ở Hội An được hình thành với nguyên nhân nhập cư cơ bản xuất phát từ hoạt động kinh tế (thương nghiệp). Sự kiện này được khẳng định bởi nhiều nguồn tư liệu, đáng lưu ý là ghi chép của C. Borri năm 1618: "Vì cho tiện việc hội chợ, chúa Nguyễn đã cho phép người Trung Quốc và Nhật Bản làm nhà cửa theo tỷ lệ với số người của họ để dựng lên một đô thị. Đô thị này gọi là Faifo và nó khá lớn. Chúng ta có thể nói có hai thành phố, một của Trung Quốc, một của Nhật Bản. Họ sống riêng biệt đặt quan cai trị riêng và theo phong tục tập quán của mỗi nước".

Làn sóng di cư lớn thứ hai của cư dân Trung Hoa đến Hội An xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế và biến động chính trị. Với sự tiếp tục gia nhập mạnh mẽ của nhóm "di cư" mới và xuất phát từ nguyện vọng của một bộ phận di dân người Hoa cơ bản là các "di thần", "cựu thần" nhà Minh và những người do nhiều hoàn cảnh đã quyết định lưu trú vĩnh viễn ở Hội An - Đàng Trong Việt Nam, mặt khác được phép của các Chúa Nguyễn:

Cho tập hợp, lập làng, cư trú ổn định như những làng xã - thần dân của chúa Nguyễn Đàng Trong. Các yếu tố này đã thúc đẩy nhanh sự hình thành tổ chức "Minh Hương xã" ở Hội An vào khoảng nửa sau thế kỷ XVII. Bên cạnh tổ chức Minh Hương xã - Làng/xã Minh Hương, còn có tổ chức của các kiều cư người Hoa do cư trú không ổn định hoặc nhiều lý do khác về thế lực kinh tế, chính trị họ đã không nhập quốc tịch Việt Nam, nghĩa là không nhập vào làng/xã Minh Hương mà họ tổ chức riêng trong "Dương Thương Hội Quán" (hay Trung Hoa Hội Quán). Sau này do sự phát triển ngày càng đông người từ các tỉnh ở Trung Quốc sang cư trú mà đã hình thành nên các Bang riêng gồm 5 Bang (11): Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng. Nhưng vẫn trên cơ sở duy trì tổ chức điều hành chung là Dương Thương Hội Quán - Trung Hoa Hội Quán hay còn gọi tắt là Ngũ Bang (5 Bang). Sau những làn sóng di cư chính ở trên, còn có các đợt di cư khác của người Trung Hoa đến Hội An trong các thế kỷ tiếp theo:

- 1715: Đợt di dân ào ạt của người Minh dưới sự chỉ huy của Mạc Cửu;
         
- 1840: Sau thất bại bởi chiến tranh nha phiến của nhà Thanh;
         
- 1851: Sau phong trào Thái Bình Thiên Quốc thất bại;
         
- 1911: Sau cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc;

Hoạt động ngành nghề của cộng đồng cư dân Minh Hương tuy chủ yếu là: Kinh doanh, buôn bán (thương mại) và thủ công nghiệp nhưng lại rất phong phú trên từng nghề cụ thể. Trên lĩnh vực hoạt động thương mại, ngoài hoạt động chính là bao mua, mại biện, mở cửa hiệu đại lý, buôn chuyến bằng ghe/thuyền đi khắp nơi... các dịch vụ hoạt động liên quan đến thương mại cũng rất phát triển như: cho thuê nhà, cho vay lấy lãi, dịch vụ giấy tờ, ăn uống, vui chơi giải trí... Ngoài ra, nghề buôn bán thuốc Bắc, y dược cũng là một hoạt động chiếm tỉ lệ khá lớn trong thành phần cư dân Minh Hương. Trên lĩnh vực hoạt động thủ công nghiệp, cư dân Minh Hương đã có mặt trong các Chu tượng (hiệp thợ đóng thuyền), Chú tượng (hiệp thợ đúc đồng), Ngân tượng (hiệp thợ chế tạo đồ bạc), Diêm hộ (các hộ làm muối), Liêm (Kim) hộ (có thể là các hộ làm vàng ?)... Đặc biệt, một bộ phận lớn cư dân Minh Hương lập nghiệp tại phố Hội An hoặc các thị tứ trong xứ Quảng để hoạt động kinh doanh, buôn bán, do có kinh nghiệm trên lĩnh vực này đã được các chúa Nguyễn cấp châu bằng giao đảm nhận các công việc ở Ty Tàu vụ như kiểm soát thuyền buôn các nước, cân đo, định giá hàng hóa, thông ngôn... Một số người được phong chức cai phủ tàu hoặc được giao những trọng trách liên quan đến hoạt động thương mại, kinh tế, quân sự. Khi đến Hội An, các Hoa kiều đều không mang theo vợ con. Họ đến và lấy một hoặc một số bà vợ địa phương để giúp việc buôn bán, trông coi gia sản, nuôi dạy con cái... Những bà vợ này đã giúp chồng một cách đắc lực trong việc mở mang kinh doanh tạo lập gia sản và nội trợ.

Thương nhân Nhật Bản lập phố buôn bán: Trong quá trình hình thành và phát triển của thương cảng Hội An các thương nhân Nhật Bản đến buôn bán, cư trú ở Hội An đã có vai trò khá đặc biệt. Trước hết, xuất phát từ bối cảnh lịch sử quốc tế và khu vực Châu Á liên quan, tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng, cho tới trước năm 1592, Nhật Bản đã trải qua hơn 200 năm nội chiến, việc buôn bán giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc chủ yếu được thực hiện thông qua hoạt động bất hợp pháp của hải tặc - Wako (Hải Khấu) ở vùng biển Thái Bình Dương. Thời kỳ này, vương quốc Ryukyu đã trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa Nhật Bản và Đông Nam Á. Từ sau năm 1592, Nhật Bản bước vào một thời kỳ hòa bình, ổn định và đây là điều kiện căn bản cho sự phát triển kinh tế. Kế thừa kinh nghiệm kế sách của người đi trước, Tokugawa Ieyasu (1542 - 1616), người khai sáng triều đại Tokugawa đã có nhiều chủ trương tích cực để phát triển kinh tế. Chủ trương khuyến khích nhờ chính sách cấp Shuinjiyo (Châu Ấn trạng) của Toyotomi Hideyoshi (1536 - 1598) được tiếp tục đẩy mạnh trong suốt 3 thập niên đầu của thế kỷ XVII (1604 - 1635) với chính sách Shiunsen (Châu Ấn thuyền) của Mạc phủ Tokugawa, cho phép các thương nhân Nhật Bản vượt biển ra nước ngoài buôn bán với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
 
thoi ky thuong cang
 
Tranh trên sông Hội An của John Borrow - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

Từ năm 1592 trở đi, hai bên (giữa Chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong - Việt Nam với Tokugawa - Nhật Bản) có quan hệ buôn bán với nhau rất mạnh mẽ, nhất là thái độ cởi mở, năng động của Nguyễn Hoàng và Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã làm phấn khích các thương nhân Nhật khát khao thị trường thương mại Đông Nam Á đến Hội An - Đàng Trong (12). Theo mùa mậu dịch lộ trình đến Đàng Trong buôn bán của người Nhật được mô tả khá rõ trong "Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ", một bức tranh nổi tiếng vẽ vào năm 1640 của dòng họ Chaya. Nhiều thương nhân Nhật Bản do chế độ gió mùa (áp đông) họ đã lưu trú lại Hội An, với các dòng họ nổi tiếng như: Suminokura, Chaya, Sueyoshi, Funamoto, Kiya, Suetsugu, Nishi, Araki, Hirano, Hashimato. Họ đã có những cuộc hôn nhân với người Việt, một số khác với người Hoa ở Hội An. Số thương nhân Nhật Bản cùng người thân của họ (vợ, con) ngày một đông và cũng như thương nhân người Hoa được các Chúa Nguyễn cho lập phố định cư, buôn bán - Phố Nhật. Chúa Nguyễn thường giao cho thương nhân Nhật Bản phụ trách các công việc như: Cảng vụ, thuế vụ và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong khu phố, ngoài ra một số người Nhật còn được Chúa Nguyễn tin dùng vào những công việc như phiên dịch (thông ngôn) và cố vấn thương mại (mại biện). Vào đầu thế kỷ XVII, ở khu phố dành cho người Nhật có chừng 60 gia đình sinh sống (với khoảng 200 - 300 người, có tài liệu nói đến 700 người). Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản ở thương cảng Hội An đang phát triển thịnh đạt thì năm 1636 Mạc phủ Tokugawa ban hành lệnh bế quan tỏa cảng, nghiêm cấm việc phái tàu Nhật Bản ra nước ngoài. Người Nhật đang sinh sống ở nước ngoài cũng bị tội chết (13). Tình hình trên dẫn đến số người Nhật, phố Nhật cùng với vai trò của họ ở Hội An ngày một suy yếu. Như vậy, đến cuối thế kỷ XVII, sự tồn tại của một cộng đồng Nhật kiều và phố Nhật đã không còn nữa, khả năng số người Nhật còn lại đã hòa vào sinh sống cùng với thương nhân người Việt, người Hoa.

Sự có mặt của người Nhật ở Hội An, đặc biệt với việc định cư lập phố buôn bán trong thời đại Shuinsen, không những kích thích sự phát triển nền kinh tế ở Hội An - Đàng Trong, với các nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, khai thác và sơ chế lâm thổ sản mà còn góp phần làm cho mạng lưới giao thương mở rộng, kinh tế hàng hóa ở khu vực Hội An - Đàng Trong phát triển, đô thị/phố thị Hội An - Faifo trở nên sầm uất với vai trò là một Đô thị thương cảng quốc tế. Hơn nữa, dù chỉ gần một thế kỷ tồn tại (thế kỷ XVII) nhưng cho đến nay, thương nhân Nhật Bản đã để lại nhiều dấu ấn giao lưu văn hóa giá trị với vai trò là một thành phần trong cộng đồng cư dân Hội An ở thế kỷ XVII.

Ngoài ra, như chúng ta đã biết, nhờ những thành tựu kỹ thuật của ngành hàng hải, những phát kiến địa lý... vào thế kỷ XV, đã mở đầu kỷ nguyên đại hàng hải của nhân loại, dẫn giai cấp tư sản Châu Âu đi khắp thế giới và chủ nghĩa tư bản bắt đầu đến phương Đông, tiến hành xâm chiếm, tạo lập các thuộc địa, thị trường làm cho nền thương mại vốn có ở đây càng trở nên sôi động, phát triển mạnh mẽ, trong đó có Faifo - Hội An - một vị trí quan trọng trên con đường thương mại hàng hải này. Quan hệ thương mại ở Hội An - Đàng Trong thực tế ngoài thương nhân các nước Trung Quốc, Nhật Bản đến buôn bán, định cư ở Hội An còn có thương nhân nhiều nước ở Nam và Đông Nam Á như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaisia, Campuchia... và còn có sự hội nhập, quan hệ dân cư, giao thương mạnh mẽ đáng kể với Hội An - Đàng Trong của thương nhân các nước phương Tây đó là Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... làm cho số lượng dân cư, mật độ dân cư, thành phần dân cư ở Hội An thời kỳ này tăng lên đáng kể.

3. Thời kỳ Pháp và Mỹ xâm lược nước ta
         
Vào cuối thế kỷ XIX, sau hai Hiệp ước Harmand (25/8/1883) và Patenotre (06/6/1884) được ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn với quân xâm lược Pháp đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước phong kiến Việt Nam và sự đầu hàng của triều Nguyễn trước chủ nghĩa tư bản Pháp. Các phong trào kháng chiến yêu nước chống xâm lược của nhân dân ta đến cuối thế kỷ XIX lần lượt bị dập tắt. Như vậy, về cơ bản thực dân Pháp đã hoàn thành công cuộc bình định về mặt quân sự, để bắt tay vào khai thác thuộc địa Việt Nam lần thứ nhất.
 
thoi dai viet 10
 
 Hội An nhìn từ Trên không - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

Tỉnh Quảng Nam nói chung là một trong 12 tỉnh của xứ Trung Kỳ, về danh nghĩa thuộc quyền bảo hộ của Pháp, nhưng trong thực tế, về hình thức thống trị lại có hai chế độ cai trị khác nhau. Một nghị định của toàn quyền Đông Dương Piquet quy định tổ chức hành chính của thành phố Tourane như một thị xã của Pháp, trực thuộc phủ toàn quyền. Phần đất còn lại thuộc tỉnh Quảng Nam do chính quyền Nam triều quản lý, đứng đầu bộ máy cai trị là viên quan Tổng đốc, đóng tại La Qua (nay thuộc thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn), nhưng bên cạnh đó lại có tòa sứ Pháp đóng tại Hội An, do một viên Công sứ đứng đầu theo dõi và giám sát. Đi theo với tòa Công sứ là các đồn lính khố xanh, công sở mật thám, kho bạc, thương chánh, dây thép/bưu điện... của Pháp cũng được thiết lập. Tại Hội An, từ thời các Chúa đến các vua triều Nguyễn với vai trò là trung tâm kinh tế - thương mại của cả Đàng Trong - Xứ/tỉnh Quảng Nam, chính vì thế năm 1898 (ngày 20/10) vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập thị xã Faifo làm tỉnh lỵ Quảng Nam, đến ngày 30/8/1898 Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Foures ký nghị định chuẩn y đạo dụ trên - Gọi là Ville de Faifoo và phạm vi hành chính gồm các xã Hội An, Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong.
 
Tren khong thoi ky dai viet
Hội An nhìn từ trên không - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

Tình hình trên cùng với sự phát triển của đô thị Đà Nẵng đã tác động mạnh mẽ đến đô thị Hội An. Lúc này, trong thành phần dân cư theo ngành nghề Hội An, ngoài những người buôn bán, thợ thủ công, dịch vụ, nông dân, ngư dân..., đã xuất hiện giới công chức, giáo chức, thợ làm thuê/công nhân... làm việc trong các công sở của tỉnh lỵ Quảng Nam và công sở thuộc tòa Công sứ Pháp. Chính vào thời gian này, ở Hội An đã xuất hiện các công trình kiến trúc dân dụng - nhà làm việc (công sở) và nhà ở cho công chức mà chịu ảnh hưởng rất rõ kiểu kiến trúc Pháp/Phương Tây hay còn gọi là kiến trúc thuộc địa. Đồng thời cũng bắt đầu cho thời kỳ có quy hoạch kiến trúc, bố cục của một đô thị, đương nhiên có ảnh hưởng của phương Tây. Kể từ năm 1896 trở đi, chính quyền thực dân đã có kế hoạch mở rộng các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và đô thị hóa trên nhiều vùng đất, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Cùng với hệ thống đường sắt là đường bộ với các phương tiện giao thông hiện đại: Ô tô, xe máy, xe đạp... Ở Quảng Nam - Đà Nẵng ngoài tuyến quốc lộ 1 và đường sắt xuyên Việt, các đường ngang nối các huyện lỵ, thị trấn với tỉnh lỵ cũng được hình thành. Ở Hội An nhiều cụm dân cư mọc lên gồm nhiều thành phần khác nhau: Nhà buôn, tiểu chủ, thợ thủ công, người làm nghề tự do, làm dịch vụ sửa chữa... hoạt động khá nhộn nhịp. Nhiều tuyến đường được mở ra như: Tuyến đường từ Đà Nẵng đi Hội An dọc theo ven biển; đường từ La Qua (Vĩnh Điện), Dinh Trấn Thanh Chiêm cũ xuống Hội An; hoặc người Pháp đã cho mở đường sắt nối Đà Nẵng với Hội An.
 
thoi dai viet
 
Một góc Hội An - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

Tình hình này làm thay đổi rất rõ bộ mặt kiến trúc đô thị Hội An cả về quy mô, bố cục, cảnh quan kiến trúc. Trên thực tế qua nhiều tư liệu và kết quả khảo sát khảo cổ kiến trúc cho biết: Vào thời gian này, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng như nhà máy đèn/điện, bưu điện/dây thép, bệnh viện, chỉnh trang lại đường giao thông theo hình thức "Ô phố". Mặt khác, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, do sự bồi cạn của sông, bờ sông lấn dần về phía Nam mà các tuyến đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng ngày nay được hình thành, đồng thời cũng hình thành các trục đường cắt ngang. Trên cơ sở đó, người Pháp đã cho chỉnh trang lại đường giao thông, tuyến phố theo hệ thống "ô phố", bao gồm các trục đường chính theo chiều Tây - Đông, song song, ôm dọc bờ sông và các trục cắt ngang theo chiều Bắc - Nam.
thoi dai viet Duong TP 1992
 
Đường Trần Phú năm 1992 - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
Những tác động nêu trên từ chính quyền thuộc địa Pháp ở Hội An nói riêng, khu vực Quảng Nam, miền Trung nói chung không chỉ làm tăng nhanh tốc độ đô thị hóa, mà còn tác động lớn đến tình hình biến động dân cư, làm tăng nhanh dân số đô thị - Ville de Faifoo, đồng thời cũng kéo theo cả sự thay đổi, biến động dân cư, làng - xã, đặc biệt là về văn hóa ở quanh khu vực đô thị Hội An. Hơn nữa, một lớp thị dân với lối sống thị dân mới được hình thành. Chúng ta có thể biết được dân số ở Hội An lúc này (đến trước năm 1945) qua tài liệu khảo sát của Hội Folklore Đông Dương và Trường Viễn Đông bác cổ tại Hà Nội như sau: Khu vực Hội An lúc này gồm 21 xã/phường (trực lệ): Hội An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Minh Hương, Sơn Phô, An Mỹ, Thanh Hà, Đế Võng, Thanh Đông, Thanh Nam, Thanh Tây, Tân Hiệp, Thanh Nhất, Thanh Nhì, Thanh Tam, Xuân Mỹ, Kim Bồng Đông, Kim Bồng Tây, Hòa Yên, Phước Trạch, An Bàng. Với số dân khoảng 23.000 người. Riêng Ville de Faifoo (tức khu vực đô thị) có tổng số dân là 14.000 người (trên tổng số 23.000 người), gồm các làng Hội An (500 người), Cẩm Phô (10.000 người), Minh Hương (2.000), Sơn Phong (1.500) (14).
thoi ky dai viet Song Hoi An (10)
 
Một góc sông Hoài Hội An - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

Bước sang thời kỳ Mỹ xâm lược miền Nam, do hậu quả của chiến tranh, cơ cấu dân số bất hợp lý lại càng bất hợp lý nghiêm trọng. Có hai hiện tượng đồng thời xảy ra đối với các đô thị miền Nam trong thời kỳ này là tăng trưởng ồ ạt của một loạt thành phố và quá trình đô thị hóa dồn dập bất bình thường. Phần lớn các thành phố chủ yếu là trung tâm hành chính, nơi xuất khẩu tài nguyên của thuộc địa, là cửa khẩu tiếp nhận, tiêu thụ hàng hóa, nên đã dẫn đến sự phát triển lệch lạc, một vài hoặc một số thành phố phình ra nhanh chóng với bộ mặt phồn vinh giả tạo, hiện tượng đô thị hóa không có nhịp độ công nghiệp hóa và phát triển kinh tế tương ứng đi theo. Mặt khác, do tính chất tàn khốc của cuộc đấu tranh, bọn Mỹ - Ngụy cưỡng ép dồn dân từ nông thôn vào các thành phố, thị xã để cô lập nông thôn, tiêu diệt lực lượng cách mạng. Tỷ lệ dân thành thị trong tổng số dân miền Nam tăng vọt lên rất nhanh. Mặt khác, để thực hiện chính sách "Tát cạn nước để bắt cá", nhằm hòng thực hiện âm mưu chia cắt những người Cộng sản yêu nước với quần chúng nhân dân cách mạng ở miền Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng, chính quyền Mỹ - Ngụy đã dồn dân các địa phương gọi là những vùng "bất an ninh" ở các vùng quê về các Thành phố và Thị xã, Thị trấn. Trong đó có Hội An lúc này là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, dân cư từ các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên¼ đổ dồn về, vì  thế dân số ở Hội An tính đến 30/4/1975 đã lên đến 120.000 dân và mật độ dân số 2.103 người/1km2.

Trong suốt 117 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1858 - 1975), hàng vạn người dân Hội An đã ngã xuống cho độc lập và thống nhất đất nước. Các phong trào Nghĩa Hội hưởng ứng Hịch Cần Vương, Duy Tân, chống thuế... đều được người Hội An nhiệt tình tham gia để như mạch sóng ngầm qua nhiều thế hệ rồi trào dâng ở các giai đoạn tiếp theo. Từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hội An là trung tâm của các trào lưu yêu nước ở tỉnh Quảng Nam. Năm 1927, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hội An được thành lập. Trong Cách mạng tháng Tám, Hội An là một trong bốn tỉnh lỵ khởi nghĩa giành Chính quyền sớm nhất trong cả nước (ngày 18/8/1945). Trong chiến tranh chống Pháp, Hội An là địa phương đi đầu trong phát triển lực lượng vũ trang địa phương, được Bác Hồ tặng khẩu súng carbin. Trong chiến tranh chống Mỹ, Hội An cũng là nơi đầu sóng ngọn gió xứng đáng với chữ vàng "Anh dũng hiên ngang" bám trụ kiên cường.
 
scan0005
 
Lễ đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân" - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
Ngày 22/8/1998, Hội An được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân". Cả Thành phố đến nay đã được Nhà nước phong tặng 175 "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng", 5 xã, phường được công nhận là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2 đơn vị vũ trang và 15 cá nhân được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 phường được công nhận là đơn vị Anh hùng lao động.

Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Hội An nỗ lực kiến thiết xây dựng quê hương, từng bước ổn định cuộc sống và lập nên những thành tựu to lớn. Qua 4 lần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến Đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ XV và tiếp tục Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI xác định mũi nhọn kinh tế Hội An là: Du lịch - dịch vụ - thương mại, trên nền tảng bảo tồn vững chắc phát huy bền vững Di sản Văn hóa Thế giới Đô Thị cổ Hội An.

 Ghi chú: 

(1). Tại di tích khảo cổ học Bãi Ông, Cù Lao Chàm, Hội An, năm 1999, 2000,các nhà khảo cổ học đã phát hiện được khá nhiều hiện vật gốm thô (đất nung), hiện vật đá, công cụ mài như rìu tứ giác ngắn, rìu có vai, lưỡi ghè, bàn mài nhiều loại; Công cụ từ chất liệu cuội: Hòn kê, chày, hòn đập, bàn nghiền, dụng cụ miết gốm, chì lưới...; hoặc răng hàm cá, kim bằng xương, mảnh nhuyễn thể, hạt cây, than tro... Chúng được nằm trong tầng văn hóa ổn định, có niên đại xác định bằng phương pháp các-bon phóng xạ qua mẫu than (C14): 3.100 ± 60 BP (tức là cách ngày nay khoảng hơn 3.000 năm).
     
(2). Tính từ phía Tây giáp với huyện Điện Bàn, xuống phía Đông - Trung tâm Hội An hiện nay, tạo nên các di tích Trảng Sỏi, An Bang, Thanh Chiếm, Hậu Xá (thuộc phường Thanh Hà), mỗi điểm này lại cách nhau một dòng chảy nhỏ cắt ngang, chạy theo hướng Bắc - Nam. Ngoài ra, lấy phố cổ Hội An hiện nay làm trung tâm, thì ta thấy các di tích như: Đồng Nà, Bàu Ốc, Bàu Sấu, Trảng Kèo, Trà Quế (Cẩm Hà)... ở phía Bắc, Tây - Bắc, Trà Quân, Lăng Bà (Cẩm Thanh), An Bàng, Phước Trạch (Cẩm An - Cửa Đại)... ở phía Đông; hay Xuân Lâm (Cẩm Phô) ở ngay cồn trung tâm Hội An.
     
(3). Các khu mộ táng ở đây chính là những quan tài gốm (mộ chum). Theo các nhà khảo cổ học, người chết được hỏa táng và chôn trong những quan tài gốm/mộ chum này và người ta chôn theo đồ gốm, đồ trang sức, công cụ, vũ khí. Nhiều đồ gốm được tìm thấy bên trong và quanh bên ngoài mộ chum. Đó là những đồ dùng hàng ngày như nồi, bát, bình, đèn,... hoặc những đồ minh khí (đồ gốm có kích thước nhỏ hơn đồ dùng thật). Đồ trang sức rất phong phú về loại hình lẫn số lượng gồm có: khuyên tai (3 mấu, vành khăn), vòng đeo tay, hạt chuỗi... Chất liệu đá (hồng mã não, Nephrite, Crystal, Agate, phiến sét), thủy tinh, kim loại vàng, chì, đồng... Đặc biệt có nhiều chuỗi hạt bằng thủy tinh, đá nhỏ li ti thể hiện công nghệ chế tác và kỹ thuật rất điêu luyện tinh vi. Đồ sắt có khá nhiều về số lượng với các loại hình vũ khí: Qua, dao găm, giáo, mác, dao, mũi nhọn...; Công cụ sản xuất: Rựa, dao quắm, rìu, đục, thuổng, cuốc, dao,... Đáng chú ý ở đây, nhiều đồ sắt cán cầm còn dấu vết vải bọc, bao gỗ.
     
(4). Chúng ta có thể nhận biết về những di tích Chăm ở Hội An qua các bài viết. Năm 1909, H.Parmentier trong tác phẩm Inventaire des monuments Champs de L'Annam, đã ghi nhận về một vài hiện vật Chàm ở tòa sứ Faifo (Hội An). Năm 1919, bác sĩ A.Sallet trong bài: "Le vieux Faifo, Bulletin des Amis du Vieux Hue", đã nhắc đến các miếu thờ cổ có tên gọi Việt, nhưng bảo lưu yếu tố Chàm, như Lăng Bà Lồi, Bà Yàng... và về một pho tượng sư tử ở Sơn Phô (nay là Sơn Phong).
     
(5). Các di tích khảo cổ học: Đồng Nà (Cẩm Hà): Niên đại khoảng thế kỷ II đến III, IV; Trảng Sỏi (Thanh Hà): Thế kỷ VIII đến XIV; Thanh Chiếm (Thanh Hà): Niên đại khoảng thế thế kỷ I kéo dài đến XVII - XVIII; Hậu Xá I (Thanh Hà): Niên đại tầng văn hóa I từ thế kỷ III - IV đến X - XI, tầng văn hóa II từ thế kỷ I đến III - IV; Lăng Bà (Cẩm Thanh): Niên đại khoảng thế kỷ IX - X đến XVI - XVIII; Khu vực I (Cẩm Phô): Niên đại khoảng thế kỷ III - IV; Bãi Làng (Cù Lao Chàm): Niên đại khoảng thế kỷ VII đến X... Đặc biệt, ngoài những hiện vật khác nhau chúng ta thường bắt gặp trong di tích văn hóa Sa Huỳnh như những hạt chuỗi bằng thủy tinh, đá quý... ở đây, trong mỗi di chỉ đã có sự xuất hiện đồ gốm sứ - bán sứ mậu dịch và đồ trang sức có nguồn gốc Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Cận Đông như gốm Islam, đồ đựng và đồ trang sức bằng thủy tinh có trang trí với nhiều màu khác nhau, hoặc đĩa đồng (kiểu Hán) hoặc đồ sứ ở các lò gốm ở các địa phương thuộc lục địa Trung Quốc như Việt Châu, Định Châu, Trường Sa (tỉnh Phước Kiến)...
     
(6). Bởi một phần là do vùng đất này quá mới, quá xa tầm kiểm soát của nhà Trần. Phần quan trọng là do người dân Chăm bất bình sự việc hôn nhân sính lễ này và hơn nữa, chỉ một năm sau vua Chàm - Chế Mân chết, vua Trần Anh Tông đã sai Trần Khắc Chung dùng kế giải thóat được công chúa Huyền Trân khỏi cảnh phải tự thiêu, để chết cùng vua Chàm (Chế Mân) theo phong tục Chàm nên dân Chàm liên tiếp nổi dậy chống lại và biến nơi đây thành vùng tranh chấp ác liệt, nhất là thời kỳ vua Chàm - Chế Bồng Nga, vùng tranh chấp còn kéo dài đến Thanh Hóa, Nghệ An và vị vua Chàm này đã từng đánh ra Thăng Long - Hà Nội vào các năm 1371, 1378, 1383, có lần đã buộc vua tôi nhà Trần phải tạm lui về Hải Dương trước những cơn "vùng vẫy" này của người Chàm vào cuối thế kỷ XIV.
     
(7). Trên tấm bia mộ tổ tộc Trần ở thôn Võng Nhi xã Cẩm Thanh ngày nay cho biết: "Ông tổ vào đời Lê Hồng Đức từ Hải Dương ra mắt vua được xung vào bộ binh, cùng với vợ con tòng quân xuống đất Chiêm Thành có công và lưu ngụ tại Quảng Nam, phát hiện ra con sông gần biển, tập trung dân sống rải rác ở đây lập thành làng có biệt hiệu là Võng Nhi. Bia lập vào năm Cảnh Thống Mậu Ngọ niên ngày 10 tháng giêng (1498). Lập kê biên ông Lý Trần Văn Lý".
     
(8). Tác giả Dương Văn An trong "Ô Châu cận lục" viết vào thế kỷ XVI (năm 1553) đã cho chúng ta biết được tên của 2 làng - xã trên mảnh đất Hội An ngày nay có vai trò, vị trí quan trọng và cùng với quy mô của nó đã được nhà nước phong kiến lúc bấy giờ công nhận là làng Hoài Phô và Cẩm Phô. Hẳn là quá trình di dân, lập làng ở đây đã được diễn ra từ lâu rồi. Hoặc trên trang đầu gia phả tộc Huỳnh (một trong những tộc tiền hiền ở Cẩm Phô) cho biết: "dòng dõi Huỳnh môn ở tại quận Giang hạ, sinh từ đất Bắc vào đến làng này. Thời kỳ Nam tiến Bình Chiêm - triều Lê Hồng Đức, hạ thành Đồ Bàn bắt sống Trà Toàn, tiên tổ chúng ta theo phong trào ấy vào Nam di dân lập nghiệp, đến nơi đây cùng liệt quý vị tôn hiển các tộc phái (Trần, Lê, Nguyễn ). Xưng là Đông phái tộc, khai lập xã hiệu lấy tên là làng Cẩm Phô. Long phi Giáp Dần niên".
     
(9). Chúng ta có thể tham khảo những đoạn trích từ một số trong rất nhiều các bia ký, gia phả của các tộc/họ ở Hội An sau đây: Bia mộ cụ tổ tộc Lê có viết: "... Đời truyền trước Gia Dũ Hoàng Đế (tức Nguyễn Hoàng) khai khẩn Thuận, Quảng, cụ từ miền Bắc vào (không rõ tỉnh) cùng thời các cụ trong tộc họ: Huỳnh, Trần, Nguyễn đến khai phá đất Thuận, Quảng. Các cụ khai khẩn mấy trăm mẫu đất ruộng, phía Đông, Tây có sông bao bọc trở thành một làng tuyệt đẹp"; Gia phả tộc Lê (một tộc họ dòng dõi vua Lê) nay còn lưu giữ lại được biết: "... Đời thứ nhất là thủy tổ Lê Đại Lang, tự là Lê Duy Trì. Tổ Đại Lang từng là nhiếp chính trưởng quốc Chân quận công, họ Lê, huý Duy Trì, là con trưởng của Thế tôn Hoàng đế Lê Duy Đàm, mẹ là Trần Thị Dương. Đương thời, Đế Kính tôn bị Trịnh Tùng bức tử (1619), Đế băng hà vào năm Kỷ Mùi. Đại lang Duy Trì chạy đến làng Đông Thổ, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, phủ Thanh Hà. Đến năm Quý Hợi, ngài cùng hai con di cư đến khai cơ lập ấp tại xã Thanh Châu, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (1622)"; Gia phả tộc Nguyễn Viết làng Đế Võng có ghi "tiền hiền Đế Võng cụ Nguyễn Viết, người gốc Nghệ An, đời nhà Lê theo quân lính xuống phía Nam tới Quảng Nam. Thấy có những con sông chiếm lấy trưng khai làm ruộng nước, dựng cơ đồ vĩnh cửu tại đây, tập trung những cư dân ở đất phù sa lại để lập xã hiệu dần dần trở thành làng đã lâu đời rồi vậy. Thời gian này vào giữa những năm của đời Thịnh Đức - Cảnh Thịnh (1653 - 1671)";....
         
(10). Chúng tôi dựa theo cách tính của học giả LyTaNa để ước đoán.
       
(11). Đây là một tổ chức tự quản của Hoa kiều nhằm giúp nhau trên thương trường, buôn bán, quan hệ giao dịch với chính quyền cấp trên và sở tại. Trụ sở của các Bang còn là trung tâm tín ngưỡng, thờ tự thần thánh, các bậc tiền, hậu hiền của nhóm cộng đồng dân cư này. Tổ chức này được cho phép từ thời các Chúa Nguyễn đến triều Tây Sơn, triều Nguyễn sau này đến năm1975.
       
(12). 
Theo thống kê cho biết từ năm 1601 đến khi có lệnh tỏa cảng năm 1635 của Mạc Phủ Tokugawa đã có 356 Châu ấn thuyền đã xuất dương, trong đó có 37 thuyền cập bến Đông Kinh (thuộc khu vực của Chúa Trịnh) và 71 thuyền cập bến Quảng Nam (Hội An).
       
(13). Sở dĩ có lệnh cấm này là do Mạc phủ Tokugawa lo ngại trước sự xâm lăng của phương Tây, cùng với chính sách cấm đạo. Năm 1639 lệnh tỏa quốc này tiếp tục ban hành, cô lập hoàn toàn Nhật Bản với thế giới bên ngoài, chỉ để lại cửa ngõ duy nhất ở cảng Nagasaki cho người Hà Lan, Lưu Cầu (Ryukyu) và Trung Quốc đến thông thương.
       
(14). Tài liệu khảo sát, viết tay mô tả khá đầy đủ về các làng xã ở Hội An và cả Quảng Nam vào năm 1943 của Hội Folklore Đông Dương và Trường Viễn Đông bác cổ tại Hà Nội.



 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây