Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Nghề mộc xây dựng Kim Bồng

Làng Kim Bồng xưa là châu Kim Bồng, thuộc tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên; nay là xã Cẩm Kim, thị xã Hội An. Đây là một trong những làng được hình thành khá sớm ở thương cảng Hội An. Cư dân ở đây với sự phát huy tính sáng tạo, nhạy bén, tận dụng các điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng và phát triển một làng nghề nổi tiếng đó là nghề mộc Kim Bồng.
          Trên thực tế làng nghề này đã có những đóng góp quan trọng tạo nên vẽ đẹp kiến trúc không chỉ ở Đô thị cổ Hội An mà còn ở cả trên đất kinh đô Huế. Cho dù trải qua bao biến thiên lịch sử, hứng chịu hậu quả của nhiều cuộc chiến tranh, nhưng hiện nay cư dân trên mảnh đất này vẫn còn giữ được nghề truyền thống do ông bà truyền lại hàng mấy trăm năm nay đó là nghề làm mộc, trong đó có nghề làm nhà ở.
          Qua điều tra xã hội học kết hợp với tư liệu thư tịch hiện còn lưu giữ tại các tộc họ ở Kim Bồng cũng như theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học thì các vị tổ của nghề mộc Kim Bồng gốc là người ở các vùng Thanh Hoá, Nghệ An. Vào khoảng thế kỷ XVI, XVII các vị thủy tổ của những dòng họ lớn như Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương... đã vào lập nghiệp tại Quảng Nam. Nhận thấy đất Kim Bồng ba mặt giáp sông, hơn nữa lại nằm bên lưu vực của sông Thu Bồn, một dòng sông lớn có thể ngược lên nguồn, xuôi ra Cửa Đại và còn nằm cạnh một đô thị thương cảng sầm uất đó là thương cảng quốc tế Hội An nên rất thuận tiện cho việc phát triển nghề nghiệp của mình họ bèn chọn Kim Bồng làm nơi định cư lâu dài và mở rộng nghề nghiệp. Tuy vậy, về tên tuổi cụ thể của các vị Tổ nghề tại đây lại không có ai nhớ rõ ràng, cũng không có tư liệu nào chép cụ thể.  Sau các họ Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương, những tộc như Đỗ, Bùi, Lê... đến định cư, lập nghiệp tại Kim Bồng cũng chung tay, góp sức vào việc phát triển nghề mộc cho đến ngày nay.
            Làm nhà là công việc hết sức quan trọng, liên quan đến tài sản cả đời người, chính vì vậy mà yêu cầu đối với nghề này rất cao. Đòi hỏi người thợ phải nắm bắt, thể hiện được ý tưởng của chủ nhà cả về vị trí (phong thủy) lẫn kiểu dáng ngôi nhà sẽ được tạo ra, đây là một điều tương đối khó, bởi vì ngày xưa trong dân gian chưa phổ biến dạng vẽ phác thảo, thiết kế với đủ loại bản vẽ phối cảnh, mặt bằng, mặt đứng... như bây giờ.
          Thông thường, khi chuẩn bị làm nhà, các công việc như xem địa, chọn hướng, xem tuổi, xem ngày giờ để làm nhà... đều do chủ nhà định đoạt. Trên cơ sở đã định, người thợ bắt đầu chuẩn bị các khâu cần thiết như tập hợp thợ, chọn mua gỗ theo yêu cầu chi tiết của ngôi nhà (cũng có khi chủ nhà tự mua gỗ rồi mời thợ đến làm).
Các loại gỗ thường được thợ mộc Kim Bồng chọn mua làm nhà gồm nhóm “tứ thiết(đinh, lim, sến, tấu), cùng các loại khác như sơn, kiền kiền, dỗi... trong đó, gỗ lim, kiền kiền là được sử dụng nhiều nhất. Các loại gỗ trên hầu hết được khai thác ở các vùng thượng nguồn sông Thu Bồn như Hiên, Giằng, Trà My, Tiên Phước...  Sau khi mua gỗ tại các vùng trên, người ta kết thành bè thả xuôi theo hạ nguồn Thu Bồn về cập vào các bến ở Kim Bồng rất là thuận tiện (có khi người thợ chỉ cần đặt mua gỗ, sau khi khai thác thợ rừng tự xuôi bè xuống giao hàng).
Gỗ được xuôi từ thượng nguồn về thường còn “nguyên bi, nguyên bản(còn nguyên cây hoặc mới chỉ được cưa xẻ cho gọn), sau đó căn cứ vào từng bộ phận trong ngôi nhà mà người thợ cho cưa xẻ gỗ ra theo quy cách của cột, trính, xiên, đòn tay, rui láth... Trước đây, khi chưa có cưa máy ra đời, người ta phải dùng một loại cưa lớn thường được gọi là cưa đợi với hàng chục thợ thay phiên nhau cưa xẻ từng bi gỗ, công việc này rất tốn thời gian, rất nặng nhọc. Hiện nay đã có cưa máy nên công việc này thuận lợi, nhanh gọn hơn rất nhiều.
            Khi việc ra quy cách gỗ hoàn tất, căn cứ theo ngày giờ cung cấp của chủ nhà, người thợ tiến hành làm lễ “phạt mộc”, lễ này không cúng mà chỉ tiến hành bào nhẵn cây đòn đông rồi lấy một ít dăm bào để lại sau này làm lễ “đưa dăm tống mộc(1). Sau đó, đội thợ tiến hành các công việc như đẽo cột, tạo ra các cấu kiện gỗ để lắp ráp khung nhà như cột, trính, kèo, xiên, xà, đòn tay... Trong một ngôi nhà, bao giờ cũng có nhiều cấu kiện gỗ rất là phức tạp, nên đòi hỏi người thợ phải đặt ra các cách thức để nhận biết của riêng mình. Cách đánh dấu phổ biến nhất là người ta thường đánh dấu theo kiểu giản tiện của chữ Hán là “tiền sừng bò, hậu cò lội(2), hoặc các kí hiệu Đông Tây như “Đông tiền, Đông hậu”, “Tây tiền, Tây hậu”... Nếu không gian ngôi nhà có nhiều hàng cột, nhiều bộ trính, kèo thì họ chia thêm ra theo thứ tự 1, 2 kết hợp với những kí hiệu Tiền, Hậu, Đông, Tây như “Đông nhất tiền, Đông nhị tiền”, “Tây nhất hậu, Tây nhị hậu”... Nếu người thợ chịu khó làm tốt khâu kí hiệu này thì trong quá trình lắp dựng sẽ rất thuận tiện, các lỗ mộng, các cấu kiện sẽ vừa khớp với nhau, vừa đỡ phải tốn công lựa chọn, thay đi đổi lại, đồng thời làm tăng vẻ thẩm mỹ lẫn độ khít chặt giữa các cấu kiện gỗ.
            Những công đoạn cưa xẻ gỗ, lấy quy cách, bào nhẵn, tạo mộng, nhập ghép... có thể làm tại nhà của chủ cũng có thể làm tại trại gỗ của thợ. Nhưng người ta thường hay làm tại nhà để chủ nhà tiện theo dõi góp ý và bồi dưỡng cơm, nước cho thợ. Để chuẩn bị lắp dựng nhà, người ta phải dùng dây nhợ, ống nước, thước ba... để xác định độ phẳng của nền nhà, đồng thời phân chia vị trí của các bước cột, sau đó mới tiến hành lắp ghép các bộ phận trính, kèo, trụ đội... vào cột rồi mới dựng từng bộ cột kèo, sau khi dựng xong các bộ cột kèo người ta cho lắp theo các bộ phận khác như xiên, xà thượng, xà hạ... liên kết các bộ cột kèo lại thành một bộ khung vững chắc mà không cần phải chèo chống. Trên thực tế, hầu hết trong các ngôi nhà gỗ ở Hội An bộ khung gỗ là phần chịu lực chính, còn lại phần tường xây chỉ là phần bao che mưa nắng.
             Công việc cuối cùng là hoàn thiện ngôi nhà. Trước hết, là dựa theo ngày giờ đã định mà chủ nhà và thợ mộc tiến hành làm lễ thượng lương mà người Hội An quen gọi là gác đòn đông, người ta làm lễ cáo trời, đất rồi đưa cây đòn đông đã được phạt mộc gác lên nóc của các vì kèo, sau đó treo thêm mấy nhành vạn tuế và ba hũ gạo, muối, nước... ngụ ý cầu mong sự an bình, no đủ. Thượng lương xong thì việc tiếp theo là các công đoạn gác đòn tay (xà gồ), đóng rui để lợp ngói. Việc lợp ngói, xây tường là của thợ nề, thợ mộc chỉ chịu trách nhiệm lắp dựng phần khung gỗ, đóng các bức vách ngăn, bức đố, tấm chắn…
            Bên cạnh những phần việc chính nêu trên, trong khi tạo dựng một ngôi nhà, để cho tăng phần thẩm mỹ, thợ mộc Kim Bồng thường chạm trổ nhiều hoa văn, đồ án trang trí: Tứ thời, bát bửu, phước, lộc, thọ... trên các bộ phận của ngôi nhà như đuôi kèo, đầu trính, thân trính, trên vì chồng rường, các bức vách ngăn và đặc biệt là ở phần vì vỏ cua. Những hoa văn, đồ án trang trí này vừa tạo vẻ đẹp, sự mềm mại uyển chuyển cho ngôi nhà, đồng thời vừa cầu chúc cho những người sinh sống trong nhà đều được bình an, làm ăn phát đạt…
Nghề làm nhà vốn là một nghề thủ công, đại đa số dựa vào kinh nghiệm từng trải trong nghề nghiệp là chính, cho nên những kinh nghiệm đó chính là những bài học quý giá được truyền hết đời này qua đời khác. Ngoài những kinh nghiệm về đánh dấu trên các cấu kiện gỗ nêu trên, thợ làm nhà ở Kim Bồng còn lưu truyền nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp khác. Trong quá trình tạo các lỗ mộng, nếu chẳng may lỗ đục bị lệch thì thợ mộc chọn một thanh gỗ cùng chủng loại nem chặt vào, sau đó nạo nhẵn rồi rắc bột cưa lên chà cho mịn thì người ngoài không dễ gì nhìn thấy được lỗi đó; Hoặc về cách thức tính chu vi được tính theo kinh nghiệm đẽo cột tròn thì “đời ông cho chí đời cha, muốn đẽo cho tròn trước phải lấy vuông”; thợ mộc Kim Bồng gõ dùi đục theo cách “đóng mốt rồi lại đóng ba, tay chuốt đỏng đảnh chớ mà đóng hai”...
             Ngoài việc rèn luyện tài nghệ hay am hiểu kinh nghiệm nghề nghiệp, người thợ làm nhà còn phải hiểu biết về phong thuỷ, tập tục cơ bản trong xây dựng nhà cửa như: chọn gỗ làm đòn đông, đòn đông thường chọn loại cây trầm thị, thẳng, không bị nứt nẻ, không có dây leo quấn; Biết sử dụng thông thạo các loại thước Lỗ Ban, thước trực để đo đòn đông, đo mở cửa, mở ngõ theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”; Biết cách thức mở ngõ, bố trí phương vị của gian bếp và thậm chí còn phải biết cả việc xem ngày chọn giờ để xây dựng nhà cửa...
            Do việc làm nhà hết sức phức tạp, tỉ mỉ nên đòi hỏi công cụ lao động phục vụ cho nghề này cũng hết sức phức tạp và đa dạng, chúng gồm khoảng hơn 30 loại: thước, cưa, bào, đục, khoan... như bảng thống kê dưới đây(3):
 
TT Tên gọi     công cụ Chức năng sử dụng Chú thích
I. Công cụ dùng trong công đoạn ra cây
1 Cưa đợi Cưa thân gỗ lớn thành những  tấm ván nhỏ Có hai người dùng cưa trong tư thế đứng
2 Cưa líu Cưa thân gỗ lớn thành những tấm ván nhỏ Có hai người dùng cưa trong tư thế ngồi
3 Cưa dứt Dùng để cưa các tấm ván, cây gỗ nhỏ chiều ngang  
4 Cưa rọc Cưa các tấm ván, cây gỗ nhỏ chiều dọc  
5 Cưa lận Cưa đường cong  
6 Rìu Chẻ, đẽo  gỗ  
II. Công cụ dùng trong công đoạn dọn cây
7 Bào trường Bào láng mặt phẳng gỗ lớn Bào dài
8 Bào lở Bào láng mặt phẳng gỗ lớn Bào loại trung
9 Bào ngắn Bào láng mặt phẳng gỗ nhỏ  
10 Bào núc Bào rãnh gương, ván rầm Có hai loại lớn và nhỏ
11 Bào móc  (bào mương) Bào mớp cửa  
12 Bào lá Bào tạo gờ chỉ nổi  
13 Bào ấp chỉ (bào chành) Bào đường chỉ, gờ  
14 Bào gọt Bào theo đường cong  
15 Lưỡi  nạo Nạo láng mặt phẳng gỗ  
III. Công cụ dùng trong công đoạn lấy mực
16 Thước Lỗ ban Xác định kích thước các bộ của sản phẩm, công trình theo các con số tương ứng với ý nghĩa tốt xấu  
17 Thước mộc (thước trực) Xác định kích thước các sản phẩm, công trình theo số tương ứng với những ý nghĩa tốt xấu  
18 Thước ba Đo độ nghiêng, dốc của vì, kèo, mái  
19 Thước kẹp Đo độ xéo  
20 Thước vuông Xác định góc vuông  cho các bộ phận của sản phẩm  
21 Thước xép Đo chiều dài, ngang, cao  
22 Bút chì Kẻ định vị lỗ mộng, đường thẳng, cong  
23 Ống mực Định vị đường cưa, xác định tim gỗ  
IV. Công cụ dùng trong công đoạn tạo mộng
24 Dùi cui Đóng vào đục để tạo mộng  
25 Đục lá Tạo mộng hình vuông, chữ nhật Có nhiều cỡ dùng đục nhiều lỗ mộng có kích thước tương ứng
26 Đục dũm     (đục móng) Tạo mộng hình tròn,                           các hoa văn chìm, nổi - Có nhiều cỡ dùng đục nhiều lỗ mộng có kích thước tương ứng
- Thường dùng trong mộc chạm khắc
27 Đục hình chữ V Tạo hoa văn hình V Thường dùng trong mộc mỹ nghệ
28 Chàn chạm Khắc chạm hoa văn nổi, chìm Thường được dùng trong nghề mộc mỹ nghệ
29 Khoan dây Khoan lỗ tròn đóng chốt liên kết       các mộng  
V. Công cụ dùng trong công đoạn nhập
30 Búa Dùng để đóng đinh  
31 Búa (lớn, nhỏ) Dùng đóng đinh, chốt tre  
32 Vồ Dùng đóng liên kết một của các vì, kèo Thường dùng trong mộc xây dựng
VI. Công cụ dùng trong công đoạn trau (làm đẹp sản phẩm)
33 Băng xô Dùng quét sơn, dầu rái lên sản phẩm  
34 Vỏ trái dừa Dùng quét dầu rái lên sản phẩm  
VII. Loại công cụ khác
35 Rương, hòm Dùng để đựng đồ nghề  
 
            Thông thường, các nhà làm thợ mộc đều có trang thờ tổ. Các chủ thợ cho biết trên trang thờ tổ họ thờ Lỗ Ban(4), Lỗ Bốc, Cửu Thiên Huyền Nữ(5) hoặc ông Tiên Sư(6). Ngoài ra, tại trung tâm làng Kim Bồng, thợ mộc còn xây dựng một ngôi đình để thờ tiền hiền và chư thần trong làng. Hàng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng Âm lịch, các kíp thợ trong làng tổ chức lễ giỗ Tổ nghề mộc - nề tại đình tiền hiền. Đây có thể nói là dịp tế lễ có quy mô lớn nhất nên lực lượng tham gia rất đông. Lễ tế được diễn ra trong hai ngày, ngày mồng 5 làm lễ cáo yết mà dân địa phương thường gọi là lễ túc nhằm cáo vọng chư vị tiền hiền, thần thánh. Ngày mồng 6 là lễ chính thức, lễ chính được tế thành hai diên (phần): tế âm linh trước, tế tổ sau. Cả hai diên tế đều được tế theo trình tự 3 tuần: hành sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Trong nghi thức tế lễ có người xướng tế, đi gia lễ, đọc văn tế, có dàn cổ nhạc... Sau khi lễ tế kết thúc, các vị cao tuổi thường tập trung lại xem giò gà để đoán sự cát hung trong năm cho cả làng nói chung, các kíp thợ nói riêng.
             Có thể nói, lễ tế tổ của nghề mộc - nề ở Kim Bồng là sinh hoạt tín ngưỡng của một làng nghề có quy mô lớn. Trong lễ tế truyền thống với những tập tục tín ngưỡng đặc sắc đã góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của làng Kim Bồng nói riêng và cả Hội An nói chung.
             Có thể nói nghề mộc Kim Bồng nói chung, nghề làm nhà nói riêng có lịch sử hình thành khá lâu đời, địa bàn sản xuất rất rộng. Từ bao thế kỷ, nghề làm nhà của làng mộc Kim Bồng đã có rất nhiều đóng góp cho lịch sử xây dựng của vùng đất Quảng Nam. Nghề này không những chỉ làm chỗ “tránh mưa, tránh nắng” cho nhân dân mà còn xây dựng nên nhiều công trình tín ngưỡng cộng đồng “để đời” tại khu phố cổ Hội An. Hơn thế nữa, trong thời gian trước đây mà cụ thể là vào thời Nguyễn, nhiều người thợ của làng nghề Kim Bồng đã được triều đình điều động ra kinh thi công nhiều công trình lớn mang tầm cỡ quốc gia như tham gia xây dựng kinh thành, làm lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định... Nhiều người cũng được xung vào Tượng cục và ban cho các hàm Bát phẩm, Cửu phẩm…Hiện nay, nghề làm nhà truyền thống ở Kim Bồng có vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng nhà ở dân dụng, góp phần tích cực trùng tu di tích kiến trúc gỗ, các công trình văn hoá, tín ngưỡng... bảo tồn tốt di sản văn hoá vô giá của nhân loại - di sản văn hoá thế giới Hội An.
 
Nguồn: Sách Nghề truyền thống Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, 2008.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây