Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Lễ tết/tiết, lễ lệ, lễ tục:

Lễ tết/tiết, lễ lệ, lễ tục là những hình thức sinh hoạt văn hoá không thể thiếu được trong cộng đồng cư dân của người Việt Nam nói chung, cư dân Hội An nói riêng. Nó có tính phổ biến trong đời sống xã hội và có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Là sản phẩm sáng tạo của các thế hệ tiền nhân để lại cho hôm nay, nó chứa đựng những mong ước thiết tha, vừa thánh thiện, vừa đời thường, vừa thiêng liêng, vừa thế tục của bao thế hệ con người. Thông qua những hình thức sinh hoạt văn hoá này mà con người muốn gửi gắm, bộc lộ những ý nguyện thầm kín, thiêng liêng hoặc bức xúc như cầu may, giải hạn hoặc muốn được giải toả và tự thể hiện mình trong các hoạt động tế lễ, vui chơi, giao tiếp. Đây cũng chính là nhân tố góp phần làm cân bằng đời sống tinh thần, tâm linh của con người, cả trong lúc bất hạnh, âu lo hoặc mừng vui, sung sướng. ở Hội An, tuỳ vào nghề nghiệp của cộng đồng cư dân (nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán,...) hoặc thành phần của mỗi cộng đồng cư dân (người Việt hoặc người Hoa)... mà các hình thức sinh hoạt văn hoá đó (lễ tết, lễ lệ, lễ tục) bao gồm các hình thức chủ yếu sau.
              I.  Lễ tết/tiết:
              * Tết Nguyên Đán:
            Lễ Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Hội An nói riêng. Nó mang tính thống nhất cộng đồng xã hội, tính nhân văn thẩm mỹ cao. Tết là điểm xuất phát thiêng liêng của ngày mới, tháng mới, năm mới, là dịp con người hướng tới mỹ tục: lịch sự, cao thượng, nhân ái với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

            Tết Nguyên Đán là thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là ngày hội lớn của một chu kỳ vận hành vũ trụ, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (Đất - Trời - Sinh vật) mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Tết là từ “tiết” trong “thời tiết” nói trại ra. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên.

            Tết - còn là thời khắc chứa đựng niềm vui bao la của con người, mỗi khi qua năm mới là họ quên hết mọi nhọc nhằn, khó khăn phải chịu đựng trong năm qua, sẵn sàng làm lại cuộc đời trong hy vọng và niềm vui. Theo quan niệm vũ trụ luận xưa kia của cư dân nông nghiệp, mùa Đông qua, mùa Xuân bắt đầu là một giai đoạn hồi sinh của vạn vật. Con người cảm thông với thiên nhiên trong niềm vui của sự hồi sinh đó. Trong những ngày lễ tết, người ta như được đổi mới hoàn toàn, rũ bỏ con người cũ, khoác lên mình một tâm hồn mới, gạt bỏ những ý nghĩ buồn chán, suy nghĩ đến những điều may mắn vui vẻ.

            Về ý nghĩa nhân sinh, Tết trước hết là của mọi gia đình, mọi nhà, cho nên mọi người dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ đâu, kể cả những người xa xứ cách hàng ngàn cây số vẫn mong trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, giếng nước, mảnh sân nhà, nơi mà gót chân một thời bé dại đã tung tăng và được sống lại với bao kỷ niệm đầy áp yêu thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. Về quê ăn tết, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về mà là một cuộc hành hương về cội nguồn, mảnh đất chôn rau cắt rốn. Tết còn là ngày hội đoàn viên, mối quan hệ họ hàng, làng xóm được mở rộng, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội; Tình gia đình, tình thầy trò, bạn bè, xóm làng... là dịp tổng kết mọi hoạt động của một năm qua, liên hoan, vui mừng chào đón một năm mới hy vọng tốt lành cho cá nhân và cộng đồng.

            Khởi sự cho tết là ngày “đưa Ông Táo”, 23 tháng chạp, tức là ngày ông Táo về trình “tấu sớ”, báo cáo với Ngọc Hoàng những ghi chép về diễn biến suốt năm qua trong gia đình thân chủ và nhờ thiên triều phù hộ cuộc sống của họ thêm tươi vui, bớt ưu phiền. Lễ cúng đưa ông Táo về trời gồm có: một con gà, miếng thịt heo, đĩa xôi, ít chén chè, đĩa trầu cau, trà rượu, nhang đèn, vàng mã... Những người buôn bán, làm nghề thì mua con cá chép còn sống về cúng rồi sau khi lễ tất mang thả sông, hồ làm phép phóng sinh, mong sao bao xúi quẩy, những tai ương theo đó mà đi, nhường chỗ cho những điều may mắn trong năm tới.

            Trong những ngày gần Tết, tất cả mọi vật, mọi việc đều phải sáng tươi, vui vẻ. Bởi vậy, từ trong năm, người ta phải chuẩn bị tính sao cho kịp Tết để có thức ngon, vật tươi chưng cúng, thiết đãi họ hàng, bạn bè. Ngoài những câu chuyện vui, những quần áo mới mặc trong ngày Tết thì thức ăn được trữ sẵn: heo, gà, rau sống, trái cây, bánh mứt... Tiền tài, lạc phước, hồng bao lì xì cũng sẵn sàng, chu đáo. Sau khi tổng vệ sinh trong nhà, ngoài sân, cổng ngõ sạch sẽ, ngăn nắp là việc trưng bày cảnh trí sao cho căn nhà sáng sủa, vui mắt. Những tranh dân gian, liễng đối... với đề tài chúc tụng cát tường được treo, dán ở các vị trí rất trân trọng từ trong nhà ra trước cửa, cổng ngõ. Việc lau chùi, quét dọn, trang trí bàn thờ tổ tiên, ông bà là quan trọng nhất. Cổ bồng - đĩa quả phải trưng bày những trái cây có ý nghĩa như: Mận, Điều, Táo là mong lúa gạo đầy bồ; Lựu (nhiều hạt) là con đàn, cháu đống, sung túc; Đào - con cháu học đâu đỗ đó, thăng quan tiến chức; Bưởi - người già khỏe mạnh, sống lâu; Thơm - gia đình quyền quý, cao sang, danh giá, vang tiếng thơm muôn đời; Quýt - mang ý nghĩa tài lộc, phát hưng; Quả Dưa Hấu (xanh vỏ - đỏ lòng) - thể hiện con người khỏe mạnh, tràn đầy sức sống trẻ, với dòng máu nóng hăng hái... Tuy nhiên, phổ biến nhất là các nhà đều trưng mâm ngũ quả gồm các loại với ý nghĩa rất dân dã, đời thường, cũng là ước mong muôn thuở của con người đó là trái mãng cầu, dừa trái, đu đủ, xoài hoặc hạt tiêu hay có thể thêm trái sung. Nghĩa là “Cầu dừa đủ xài/tiêu” hoặc “cầu dừa đủ sài/tiêu sung túc”. Đặc biệt trên bàn thờ không thể thiếu các loại bánh, nhất là bánh tét, bánh tổ/ổ.

            Tiếp theo vào ngày 30 tháng Chạp, mọi nhà đều trồng cây nêu. Cây nêu làm bằng một cây tre hoặc cành tre. Trồng cây nêu ở ngay cổng ra vào. Theo quan niệm xưa, việc dựng cây nêu nhằm xua đuổi tà ma, ác quỷ khẳng định chủ quyền về nhà cửa, vườn tược của mọi nhà, đồng thời hướng đạo để tổ tiên, những người đã khuất về ăn tết với gia đình, với những người thân. Trên đầu cây nêu buộc một bó vàng, tờ giấy đỏ, 3 cành lá thơm, một bộ khánh hoặc chuông gió (làm bằng đồng hoặc đất nung), gió thổi, tiếng khánh chạm vào nhau kêu leng keng như khúc nhạc vui nhộn. Người dân Hội An rất chuộng mai, một loại hoa báo hiệu một mùa xuân tươi đẹp. Chúng nở rực rỡ vào những ngày đầu xuân, hoa bung cánh mỏng, nở khoe nhụy vàng - tượng trưng cho sự hài hòa giữa cương và nhu - “Thanh mai trúc mã”.

            Rồi đến ngày 30 Tết mọi nhà đều làm mâm cơm cúng gọi là cúng Tất Niên - rước ông bà về ăn Tết. Trong tâm thức mọi người đây là cuộc họp mặt đông đủ của người sống và người chết (ông bà, tổ tiên người thân) sau một năm. Hết tuần hương, mâm cỗ được hạ xuống, cả nhà quây quần xung quanh cỗ bàn ăn uống, hàn huyên vui vẻ trong không khí thân tình, ấm cúng. Đúng nửa đêm, giờ phút giao thừa giữa hai năm đã điểm. Đây là giờ khắc thiêng liêng “khi đất trời giao cảm, cái chết, cái bất động tạm thời muôn vật ngưng đọng lại trong phút giây rồi bùng ra một sức sống mới, sự tái sinh, sự đổi mới”. Lúc này, mâm cỗ cúng giao thừa được bày ra, gồm các lễ vật: con gà trống tơ, luộc chín, xếp chéo cánh, chè, bánh, mứt, rượu, trà,... Bên ngoài người ta kê cái bàn ở giữa sân để cúng thổ thần, đất đai và ông Táo sắp từ trời trở về. Lễ vật dâng cúng có bánh, chè, hạt nổ, muối gạo, bát cháo trắng, trà, rượu, hương, nến... Chủ nhà quỳ lạy trước bàn thờ đồng thời lạy bốn phương nhằm cầu xin tổ tiên và thổ thần đất đai phù hộ cho con cháu sang năm mới làm ăn phát đạt.

            Trong không khí linh thiêng và đầm ấm, mọi người cảm thấy mình trở nên thanh thản, thoải mái và quên đi mọi lo toan của cuộc sống đời thường. Kể từ giờ phút này, Tết Nguyên Đán bắt đầu. Trong suốt những ngày Tết, người ta chỉ nói với nhau những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chúc mừng, hy vọng. Bao điều không vui, không bằng lòng gạt sang một bên. Người ta kiêng quét nhà sợ của cải, thần tài theo rác mà đi, kiêng đánh đập con cái, làm vỡ chén bát, la lộn với nhau sợ xui xẻo cả năm, kiêng mặc đồ xám, đồ đen, kiêng mượn đồ hoặc cho mượn đồ... Nhất là, mọi người rất kiêng cho lửa và xin lửa trong ba ngày tết, vì  sợ cái đỏ, cái hên chuyển sang tay người khác. Đặc biệt, phải chờ tục xông đất đầu năm vào sáng ngày mùng một xong, mọi người mới đi thăm nhà nhau để chúc tết, mừng tuổi cho người lớn, lì xì cho trẻ con theo một trình tự “mùng một thì ở nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy”, điều đó đủ nhắc nhở mọi người sống phải trọn vẹn tình nghĩa với tổ tiên, ông bà, nội ngoại, cha mẹ, luôn luôn biết ơn thầy, những ân nhân của mình. Sau đó mới đến xóm giềng, bạn bè thân hữu... Kết hợp với thăm chúc tết, mọi người đều không thể bỏ qua việc tham gia vào các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, thể thao diễn ra rất sôi nổi, nhộn nhịp ở khắp làng trên - xóm dưới trong suốt ngày tết.

            Cuộc vui xuân đến chiều ngày mùng 3 thì nhà nào cũng làm mâm cơm để tiễn đưa ông bà, tổ tiên những người thân khuất mặt sau khi về ăn Tết với gia đình. Và đến ngày mùng 7 - Tết Khai hạ thì làm lễ hạ nêu - nghĩa là thời gian Tết cũng chấm dứt. Tuy nhiên, dư âm của Tết còn được kéo dài cho đến ngày mùng mười - nên trong dân gian truyền tụng câu “Ba ngày Tết, bảy ngày xuân” và thậm chí đến ngày Tết Nguyên Tiêu - 15 tháng Giêng âm lịch.

            Cùng với những lễ nghi ngày Tết là nhiều trò diễn mang đặc trưng vui chơi văn hóa như hát sắc bùa, hát bài chòi, chọi gà, cờ người... Điều đó làm cho lễ Tết thêm thiêng liêng và vui nhộn, ấm cúng, rộn ràng trong mọi gia đình dòng họ, ngõ xóm từ làng quê đến phố phường. Nó trở thành phong tục, nếp sinh hoạt văn hóa đặc sắc mang đậm tính nhân văn cần được bảo tồn, phát huy trong đời sống của cư dân Hội An.
 
            * Tết Nguyên Tiêu:
           Đây là một trong những lễ tết quan trọng với cả cộng đồng cư dân người Hoa. Nguyên là thứ nhất, Tiêu là đêm. Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên của một năm (ngày rằm tháng giêng âm lịch). Theo tích cũ của người Trung Hoa, lễ tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên (Trung Nguyên), ngày xưa, vào đêm rằm đầu tiên của năm này, vua cho mời các Trạng Nguyên về kinh đô dự yến tiệc, thưởng trăng, trổ tài thơ phú trong vườn Thượng Uyển. Đối với cộng đồng cư dân người Hoa ở Hội An (nhất là đối với người Hoa Minh Hương, người các bang Triều Châu, Quảng Đông), tết Nguyên Tiêu không chỉ là tết thuần tuý mang thú vui thưởng ngoạn mà còn mang ý nghĩa tâm linh lớn lao: Cúng các vị tiền hiền, vừa cầu mong cuộc sống tốt đẹp (cầu an) no đủ, buôn bán phát tài. Đây còn là ngày “Thiên quan tứ phước”, ngày các quan trời ban bố phước lành cho mọi người trên thế gian, do vậy phải tổ chức cúng tế cầu an, cầu phước, đồng thời mở hội vui chơi để chuẩn bị bước vào công việc của năm mới với nhiều ước vọng, vạn sự như ý. Cũng vì thế, trong cộng đồng người Hoa ở Hội An, lễ tết này được tổ chức rất linh đình và quy mô, kéo dài từ hai đến ba ngày, quy tụ con cháu từ khắp nơi đổ về và thu hút đông đảo mọi người tham dự, trở thành một lễ hội lớn của bà con người Hoa.

            Đúng vào ngày 15/01 âm lịch, người Hoa thường mời thầy chùa về tụng kinh cầu an cho người sống, cầu siêu cho người đã khuất, con cháu trong bang thì mang lễ vật chay đến cúng như hoa quả, áo giấy, chè, xôi,... Vào ngày chính (ngày vía) -16/1 âm lịch, nghi lễ được tổ chức rất trang trọng và thiêng liêng. Lễ vật trong ngày vía chính gồm một con lợn quay, bôi phẩm màu đỏ đặt ở bàn lễ chính, bên cạnh có bánh bao, hoa quả, tiền giấy, hương trà. Đến giờ tế lễ (khoảng 10-11h) tất cả bà con trong bang đều tập trung về trước điện, y phục chỉnh tề cùng nhau vái lạy thánh thần, tổ tiên,... Lễ vía kết thúc khi ông trưởng bang đốt tiền, áo giấy rồi cắm một con dao lên mình con lợn. Tiếp theo là con cháu và khách lần lượt vào dâng hương, xin lộc. Sau đó, mọi người trong bang cùng khách mời ngồi vào bữa tiệc, ăn uống rất linh đình. Đến phần hội ngoài trò chơi múa lân, còn có những trò chơi khác như xổ số, biểu diễn du hồ, đốt pháo, ca hát,...

            Tết Nguyên Tiêu cũng là ngày lễ rất quan trọng của bà con tín đồ đạo Phật (lễ Phật quanh năm, không bằng rằm tháng giêng). Vì ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ Adiđà, nên ở các chùa đều tập trung tổ chức lập đàn cầu Phật, tụng kinh với sự tham gia đông đảo của thiện nam, tín nữ để cúng nhương sao giải hạn, cầu mong đức Phật phù hộ. Đối với cộng đồng cư dân người Việt, ngày này tuy không được coi trọng như cư dân người Hoa, nhưng cũng được xem là ngày Tết Thượng Nguyên. Một ngày rằm đầu tiên, quan trọng trong năm. Vì thế tại các đình làng, miếu xóm và ngay ở mọi nhà đều sắm lễ hương hoa, trà, quả, bánh trái,... để cúng rằm tháng giêng.
 
             * Tết/tiết Thanh minh:
             Là thời gian tiết trời trong trẻo, sáng sủa, ấm áp. Tiết này, sau ngày lập xuân 45 ngày và sau ngày xuân phân, kéo dài suốt tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, tiết này cũng chỉ quan trọng đối với cộng đồng người Hoa, người ta quan niệm rằng đây là ngày chung của âm phần (mồ mả, tế tự), ngày để con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên (giống như lễ chạp mả/hội mả/dãy mả của người Việt). Vào thời gian này, mọi thành viên, con cháu nội - ngoại trong gia đình, kể cả những người làm ăn nơi xa cũng đều tập trung về nhà thờ tộc phái hoặc chi... thắp hương bàn thờ tổ tiên. Lễ vật không quan trọng, chủ yếu hương, hoa, trà, quả,... nhưng quan trọng nhất là sau đó mọi người phải cùng nhau đi thăm mộ ông bà tổ tiên (tảo mộ đầu năm), sửa sang mồ mả, dọn cỏ, quét vôi hoặc đồ/sơn lại chữ trên bia mộ... Theo tục lệ cũng chỉ vào dịp tiết Thanh Minh thì việc sửa sang, mồ mả mới được tiến hành. Đặc biệt, tại các ngôi mộ vô chủ, các nghĩa địa thanh minh (nghĩa địa quy tập các mộ vô chủ) đều được làng hoặc các bang người Hoa cử người sửa sang, hương khói nghi ngút hoặc các ngôi mộ vô chủ nằm cạnh các ngôi mộ có thân nhân thì cũng đều được mọi người đi tảo mộ sửa sang và hương khói chu đáo như chính những ngôi mộ thân nhân của mình. Tiết Thanh Minh cũng là dịp anh em họ hàng gặp nhau đồng cảm trong tình thân thiết, chia sẻ trách nhiệm, củng cố tình thân tộc.
 
              * Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch):
            Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, tết/tiết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) là tết của người phương Nam, tức là của cả vùng Nam Trung Hoa và Việt Nam. Đoan có nghĩa là mở đầu/bắt đầu, Ngọ là giờ ngọ, đồng thời Ngọ cũng là tháng giữa năm theo giờ - lịch âm. Tức là nghi lễ được mở đầu vào giữa trưa (giờ ngọ - ngày mùng 5) và cũng là thời điểm giữa của một năm (tháng ngọ - tháng 5) theo âm lịch. Lúc này mặt trời chiếu thẳng, thời tiết rất nóng nực - Nóng là dương, nên tiết này còn gọi là tiết Đoan Dương - nghĩa là thời điểm bắt đầu cực thịnh của dương - tức là cực nóng. Đồng thời đây cũng là thời điểm chuẩn bị chuyển đổi qua một thời tiết mới (về hướng âm). Trên thực tế, đi theo với thời tiết nóng nực, oi bức đến cực độ thì cũng phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại mùa màng, cây cối và nhiều dịch bệnh nảy sinh đến với con người, nhất là về mắt, ngoài da, tiêu hoá,... đe doạ đến mọi sinh linh, vạn vật của thế giới trần gian. Do đó, có thể nói, ý nghĩa của lễ Tết Đoan Ngọ là lễ tết cúng trời đất khi chuyển qua một tiết mới. ở Trung Quốc có truyền thuyết: Thời Hán nhân ngày 5 tháng 5 có hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu lên núi hái thuốc, lạc vào động Thiên Thai gặp tiên nữ. Lại thêm giai thoại ở nước Sở vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, có Khuất Nguyên vừa là thầy thuốc, vừa là trung thần có tài thường khuyên vua, nên gần người hiền, xa kẻ nịnh, chăm việc kén tướng luyện quân,... nên kẻ nịnh thần thù ghét, còn vua ngày càng xa triều chính. Thất vọng và đau buồn ông đã làm bài thơ Ly Tao rồi đến sông Mịch La tự vẫn vào ngày 5 tháng 5. Dân trong vùng thương tiếc người trung nghĩa nên cứ đến ngày ông mất thì làm bánh buộc chỉ ngũ sắc để tôm, cá khỏi ăn, thả giữa dòng cúng tế ông và mở ra tục đua thuyền ngụ ý cứu vớt Khuất Nguyên. Tuy vậy, ở Hội An dân gian ít quan tâm đến các sự tích trên hoặc thay đổi ý nghĩa ít nhiều cho phù hợp với phong tục tập quán.

            Trong các loại lễ vật cúng ngày Tết Đoan Ngọ có các loại chè, như chè kê, chè lục tàu xá và các loại bánh ngọt, nhất là không thể thiếu bánh ú tro, cùng các loại trái cây, hoa, vàng mã. Đặc biệt, tuỳ vào từng hoàn cảnh mà nhà nào cũng cố kiếm được con vịt, làm mâm cơm trước là để dâng cúng ông bà tổ tiên sau là cho con cháu, cả nhà cùng ăn ngày tết (Đoan Ngọ) cùng với những nghi thức cầu cúng như tục ăn trái cây nhằm giết sâu bọ, tắm nước lá (nhất là cho trẻ con), uống nước lá, nhìn lên mặt trời nhỏ vào mỗi mắt một giọt nước chanh (quả chanh cắt, vắt lấy nước) hoặc bé gái được xâu lỗ tai, hoặc treo lá ngải cứu trừ  tà. Sau khi cúng xong, lễ vật lấy mỗi thứ một ít (tượng trưng) cuốn lại bằng chỉ ngũ sắc, đem vất xuống dòng sông. Đến buổi chiều, nhiều gia đình cả nhà rủ nhau đi tắm biển. Đáng lưu ý nhất trong Tết Đoan Ngọ là tục hái lá hoặc mua lá ở chợ - gọi là “lá mồng năm” nhiều nhà hái (kiếm) hoặc mua rất nhiều đem về chặt nhỏ, phơi khô, cất giữ để nấu nước uống cả năm. Trên thực tế, việc tắm nước lá, uống nước lá và tắm biển sẽ chữa được các bệnh sài, ghẻ... (bệnh ngoài da) thường hay phát sinh vào mùa hè. Mặt khác, “lá mồng năm” thực chất là các loại thuốc Nam, mà theo nhiều sách y học xưa cho biết, các loại lá cây này phải hái vào thời điểm tiết Đoan Ngọ, uống vào giải nhiệt, bài trừ bệnh phong ích khí, các chứng ngoại cảm âm hư...

            Như vậy, có thể nói Tết Đoan Ngọ là tết giữa năm, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ. Nó đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng, trở thành một lễ tết truyền thống.

            * Lễ Tết Trung Thu:
            Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng 8 âm lịch, khi mà vầng trăng tròn nhất trong năm vành vạnh chiếu sáng lộng lẫy xuống thế gian thì ở Hội An, cũng như khắp nơi ở Việt Nam và nhiều nước ở Đông, Đông Nam Châu á, người ta đều náo nức tổ chức ngày lễ Tết Trung Thu hay lễ hội Trung thu.

            Tết Trung Thu/ tiết Trung Thu là tiết giữa mùa thu. Theo quan niệm cổ học phương Đông, vào những ngày rằm tháng 8 là ngày mặt trời dọi tương đối thẳng vào mặt trăng nên mặt trăng nhận được nhiều ánh sáng hơn cả và trong ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) trăng là thủy, thủy quyết định nghề nông. Vì thế, vào ngày này, người ta có thể quan sát màu sắc của trăng để tiên đoán mùa màng, thời tiết (trăng vàng được mùa tơ tằm; trăng xanh lục hạn hán, bão lụt, mất mùa; trăng màu da cam nước thịnh trị, thái bình...) nên trong dân gian có câu: “Muốn ăn lúa tháng 5, thì trông trăng tháng 8” nghĩa là vào ngày rằm tháng 8 người ta có thể vừa trông trăng thưởng nguyệt mà vừa đoán được vận mệnh quốc gia, dự báo được thời tiết, mưa nắng, mùa màng và đặc biệt dưới ánh trăng huyền diệu còn gợi nguồn cảm hứng thi ca, biểu hiện mối giao cảm hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

            Cội nguồn của lễ tiết này, dù được cắt nghĩa với nhiều sự tích khác nhau/ dị bản nhưng tựu trung vẫn hàm chứa nội dung dấu vết của nghi lễ hội mùa, về sự sinh sôi, nảy nở và cầu cho “Quốc thái dân an; phong điều vũ thuận”. Chính vì thế, lễ tiết trung thu, lúc đầu chỉ là của người lớn, nhưng rồi lâu dần cho đến nay đã trở thành lễ hội cho trẻ em nhưng toàn xã hội, mọi người lớn, bậc cha mẹ, ông bà đều phải quan tâm, chăm lo lễ tiết này cho con trẻ.

              Ở Hội An, vào ngày 14, 15 tháng 8 âm lịch, khắp các làng trên xóm dưới, từ khối phố đến thôn quê không khí lễ hội đều diễn ra rất sôi nổi với nhiều hình thức họat động văn hóa truyền thống như: việc lo lễ bái trời đất, gia tiên, tục bày mâm cỗ thưởng trăng, múa lân/sư/rồng, rước đèn; ca hát...

             Tuy nhiên để đón ngày rằm tháng 8, vui tết trung thu, người ta đã phải mất nhiều thời gian chuẩn bị trước đó vài ngày, có những việc cả tháng. Tại các gia đình, phải quét dọn bàn thờ gia tiên, trang trí nhà cửa và nhất là phải cố công làm hoặc sắm cho được chiếc lồng đèn theo ý mình để treo trước nhà hoặc đặt tại một vị trí trân trọng nhất. Trong gia đình, vất vả hơn hết vẫn là các bà mẹ, các cô gái, ngoài việc phải lo mâm lễ vật xôi, chè, bánh,...để cúng ông bà, gia tiên còn phải chọn lựa một đề tài trưng bày mâm cỗ trung thu, nhưng dù là đề tài gì chăng nữa mâm cỗ cũng phải có các loại bánh nướng, bánh dẻo hình tròn, có nhiều cỡ tượng trưng cho mặt trăng, các loại bánh cùng với hoa, trái cây tạo nên những sắc màu xanh, đỏ, trắng, vàng...sặc sỡ. Các cô gái còn đua nhau cắt gọt các loại trái cây, thực phẩm, nặn bột tạo thành nhiều loại hoa, nhiều loài vật gần gũi với con người. Đặc biệt, có người làm những con vật: chó bông, sư tử, lân...bằng những múi bưởi bóc ra (tép bưởi làm lông thú...) trông rất đẹp mắt, ngộ nghĩnh.

              Tại các di tích đình, chùa, miếu, lăng..., từ làng xã đến thôn xóm, ấp...cũng đều được quét dọn sạch sẽ, trưng bày, trang trí khang trang, lễ vật đầy đủ sẵn sàng cho nghi lễ vào tối 14 âm lịch. Tại nhà của các nghệ nhân, thợ làm bánh, làm lồng đèn, làm lân - ông địa - trống, diều, đồ chơi bằng giấy... công việc diễn ra sôi nổi, tấp nập cả tháng trời. Ai cũng muốn tạo ra những sản phẩm được bày bán phong phú, hấp dẫn, gây “bắt mắt” các khách hàng tí hon.

               Cao trào của lễ hội vào hai ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch, nhưng đỉnh điểm là ngày 14 với “đêm hội trăng rằm”. Tại các gia đình, người lớn làm lễ cúng thần linh, gia tiên, bày cỗ trông trăng, uống trà, ăn bánh, ngắm trăng, đoán thời tiết mùa màng. Các bà mẹ, các cô gái thì bận rộn với việc bày biện mâm lễ cúng gia tiên và đặc biệt đua tài khéo tay bày cổ trung thu, sau đó phá cỗ. Vui nhộn nhất vẫn là lớp trẻ, chúng luôn hồn nhiên vui chơi, nhảy tung tăng trên khắp đường làng, ngõ xóm với chiếc đèn lồng hay đồ chơi trên tay; hoặc đang say sưa với những trò chơi dân gian; hoặc đang tham gia hay len vào những đám hát - múa mừng trung thu, chị Hằng; hoặc trong những tốp múa lân/sư/rồng; hoặc đang cùng cha mẹ hòa mình vào những hoạt động văn hóa cộng đồng.

               Tiếng trống múa lân, sư tử rộn ràng, tiếng cười vui, hồn nhiên của trẻ thơ, giữa không gian lung linh đủ sắc màu của các loại đèn lồng... đã tạo nên cái sắc thái, không khí riêng có độc đáo của đêm Trung thu ở Hội An. Điều đáng lưu ý, tất cả những hình ảnh (dán, vẽ) hoặc hình thù trên đèn xếp, đèn lồng, trò chơi.... các tụ điểm diễn ra hoạt động vui chơi, cả những nội dung bài hát, trò chơi dân gian, kể cả những câu chuyện ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe vào những ngày này đều xung quanh các điển tích: chị Hằng, chú Cuội - cây đa, Thỏ Ngọc, tiên nữ, cá vàng,... hay hình ảnh ông Tiến sĩ, ông Nghè giấy hoặc là các hình ảnh thường gặp trong truyện cổ dân gian Việt Nam hoặc là các di tích lịch sử văn hóa của dân tộc, của địa phương... Tất cả đều mang tính giáo dục cao và tính nhân văn sâu sắc.

            Có lẽ hoạt động có tính dài ngày nhất, sôi động nhất, thu hút người tham gia và người xem nhiều nhất vẫn là múa lân - Ngày xưa Hội An có múa Thiên Cẩu, nay gần như đã mất hẳn, (đang được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An sưu tầm, phục hồi lại). Múa lân đã trở thành tục lệ không thể thiếu được vào mỗi dịp Trung Thu. Chẳng ai bảo ai, rất nhiều tốp, nhóm múa lân được hình thành trong từng ngõ, xóm, địa bàn dân cư và theo từng lứa tuổi, điều kiện khác nhau. Có tiền nhiều thì mua sắm nhiều, không thì cũng cố gắng tự tạo để có điều kiện được múa lân, có người cố mua bộ lân nhỏ để con cháu múa, đánh trống trong nhà cho vui. Nhìn chung, bất cứ ngõ xóm nào dù lớn, dù nhỏ, dù ít, dù nhiều trẻ em vẫn có để được múa lân. Tuy nhiên, chuyên nghiệp và mang tính nghệ thuật hơn cả vẫn là đội múa lân, múa sư tử của các “” võ thuật. Điều lý thú là đám múa lân nào cũng rồng rắn kéo theo nhiều trẻ em đi xem rất náo nhiệt. trong số này có cả những đoàn lân nhí đi để học cách múa của các bậc đàn anh. Các đội/ nhóm múa lân/ sư tử len lỏi đến từng nhà, thôn cùng ngõ xóm và được mọi chủ nhà đón tiếp nồng nhiệt, có treo giải thưởng - Bởi theo quan niệm, lân vào múa trong nhà là để xua đuổi tà ma, xui xẻo, trừ họa.

            Giá trị đặc trưng của lễ hội trung thu ở Hội An ngày nay chính là ở chỗ nó được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa - Việt Nam có sự giao lưu văn hóa của Trung Hoa - Nhật Bản và được bảo tồn khá nguyên vẹn các yếu tố tích cực, có bổ sung bởi các họat động văn hóa truyền thống và hiện đại một cách hài hòa, thích ứng, vừa tạo nên được sự phong phú, đa dạng, sôi động, hấp dẫn thế hệ trẻ, nhưng vẫn giữ được đậm đà những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Hội An, vừa mang tính giáo dục sâu sắc vốn có của lễ hội đối với thế hệ trẻ về yêu chuộng hòa bình, tính nhân ái, lòng yêu thương hướng về những giá trị văn hóa vĩnh hằng của con người: Chân - Thiện - Mỹ.
 
           II. Các lễ lệ:
            Như bao làng xã khác ở Việt Nam, các làng xã ở Hội An hàng năm, ngoài các lễ tết/tiết trong mỗi cộng đồng dân cư lại có rất nhiều lễ lệ diễn ra tại các thiết chế văn hóa - tín ngưỡng cộng đồng (đình, miếu, lăng...) và cũng theo từng cộng đồng cư dân nghề nghiệp khác nhau. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là các lễ lệ tập trung diễn ra vào hai mùa chính là mùa xuân mùa thu. Bởi trên thực tế như chúng ta biết, ở Hội An cũng như cả khu vực miền Trung, một năm hầu như có 2 mùa rõ rệt, đó là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô được bắt đầu vào mùa xuân (cũng là mùa bắt đầu của một năm) còn mùa mưa lại bắt đầu vào mùa Thu. Mùa khô, nắng ráo, thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp, còn mùa mưa ở miền Trung, đó là cái mưa tầm tã, kéo dài cả tháng nên rất khó hoạt động nghề nghiệp ngoài trời, nhiều nghề hầu như không thể làm được. Hơn nữa, xuất phát từ nguồn gốc tín ngưỡng theo quan niệm của cư dân nông nghiệp - sông nước ở Đông Nam á, người ta tin rằng, người nông dân muốn được một mùa lúa bội thu; ngư dân muốn ra khơi đánh bắt được nhiều tôm - cá; các thợ thủ công muốn có nhiều sản phẩm tốt, nhiều việc làm... trước khi bước vào vụ mùa sản xuất, làm nghề của một năm thì khi bắt đầu vào nghề tức là bắt đầu vào mùa xuân, tiết trời tươi đẹp phải tiến hành các nghi lễ cầu mong trời đất, các chư thần phù hộ cho dân làng bình an, mùa màng tươi tốt, nhân dân no ấm, sức khỏe. Cũng nhân đây phải dâng tế các bậc tiền, hậu hiền đã có công khai hoang, khẩn hóa lập nên làng mạc và các vị tổ nghề. Đến mùa thu, khi bắt đầu vào mùa mưa, thu hoạch xong mùa màng,... người ta lại tổ chức cúng tạ trời đất - chư thần - các bậc tiền - hậu hiền - tổ nghề đã đáp ứng lời cầu mong, ban cho mưa thuận, gió hòa, con người sức khỏe, được mùa thu hoạch dồi dào... và cũng lại cầu mong xin phù hộ sao cho mùa đông đến cả làng - tránh được thủy tai, sóng gió...Chính vì thế mà ở Hội An hàng năm trong khắp các cộng đồng làng - xã luôn diễn ra hai kỳ lễ lệ hết sức quan trọng đó là lễ lệ mùa xuân và lễ lệ mùa thu: Xuân - Thu nhị kỳ/Xuân kỳ - Thu tế.
 
             * Lễ lệ mùa xuân (Xuân kỳ):
            Để mong đạt được những ước nguyện trên, trong lễ lệ mùa xuân, sau thời gian tết Nguyên đán (ngày cụ thể tùy thuộc vào mỗi làng - xóm có khác nhau), người ta phải tiến hành lễ cúng cầu an (lễ cầu an/kỳ yên), lễ cúng đấtlễ cúng liên quan đến nghề nghiệp (cầu bông hoặc cầu ngư hoặc cúng tổ nghề) - cả 3 lễ cúng này thường được tiến hành tổ chức cùng ngày, hợp thành một lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân người Việt trên từng làng - xã, xóm - thôn. Hoặc lễ cầu an và lễ cúng đất được tổ chức gắn với nhau cùng một ngày, còn đối với làng có nhiều nghề khác nhau (nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công...) thì sau khi cả làng cùng lo cúng cầu an, cúng đất có thể tổ chức lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp riêng của mình vào ngày khác, nhưng đều vào thời điểm đầu năm, trong mùa xuân. Đối với cộng đồng cư dân người Hoa (Hoa Kiều, các bang) thì chỉ tập trung cúng tế vào ngày Tết Nguyên tiêu hầu như không có các hoạt động lễ cúng này. Do cùng tổ chức vào một ngày, nên địa điểm cúng chính được luân phiên để tổ chức. Ví dụ năm nay cúng tại đình làng thì sang năm cúng tại đình tiền hiền... Sau đây là chi tiết các lễ cúng trong lễ lệ mùa xuân (Xuân kỳ):

            - Lễ cúng cầu an (lễ cầu an /kỳ yên):
           Lễ này, theo câu chữ người xưa gọi là “Xuân thủ kỳ an” - tức Xuân cúng cầu an. Lễ cúng được tổ chức tại các đình làng hoặc từ đường của làng, với mục đích chung nhất là cầu cho mưa thuận, gió hòa, dân tình yên ổn, làm ăn khấm khá, tránh được thiên tai, dịch bệnh và nó mang tính cộng đồng rất cao, phổ biến hầu hết trong cộng đồng cư dân người Việt ở Hội An dù sinh sống bằng bất cứ nghề gì. Đối tượng được dân làng dâng tế cầu xin, nhờ vả, đó là Thần Thành Hoàng cùng các chư thần của làng, các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ đang được dân làng tín ngưỡng, thờ tự tại đình làng và từ đường của làng. Đến kỳ hạn, các cụ cao niên (cũng là đại diện của các tộc họ tiền - hậu hiền trong làng ) cùng hội họp, bầu ra ban tế lễ gồm chánh bái, tả hữu phân hiến, người xướng, người đọc văn, đội gia lễ và ban lo trang hoàng, lễ vật, nấu nướng để dâng cúng (hậu cần)... Còn bà con trong làng tham gia đóng góp kinh phí, lễ vật để hiến cúng, các tộc họ huy động con cháu tham gia vệ sinh, trang hoàng đình, miếu, lăng...

            Lễ cúng được diễn ra trong hai ngày. Ngày thứ nhất gọi là lễ túc - làm lễ cáo yết (báo cáo, mời thỉnh các chư thần). Vào ngày này, người ta phải tiến hành nghi lễ khiêng kiệu đi nghinh thần, kiệu thần lần lượt đi qua các nơi có thờ tự của làng để mời/thỉnh chư thần -thánh hay tiền - hậu hiền của làng về hưởng tế. Các làng lớn thường có một ngôi đình thờ thần Thành hoàng, các chư thần, một ngôi từ đường của làng thờ Tiền - hậu hiền và nhiều miếu thờ thần (xem mục tín ngưỡng thờ cúng dân gian), do đó việc cúng tế này được chia luân phiên tổ chức (ví dụ năm nay cúng tại đình thì sang năm cúng tại từ đường của làng), vì vậy phải tổ chức “nghinh thần”. Đồng thời có một số làng cùng với nghi lễ khiêng kiệu nghinh thần còn có khiêng kiệu đi thỉnh sắc (tức là các sắc phong - vua/triều đình phong kiến phong/ban cho đình - từ đường của làng), thường do sợ mất mà phải được cất giữ cẩn thận tại nhà/từ đường của một người có chức sắc trong làng, nơi đảm bảo an toàn (nên thường gọi là ông thủ sắc/giữ sắc). Ngày thứ hai là ngày tế lễ chính. Lễ vật dâng cúng bao gồm các loại bánh trái, hoa quả, gà luộc cả con, đầu lợn (với đầy đủ đuôi, móng chân, bộ lòng...), rượu, trà, xôi, cơm, trầu cau, hương đèn, vàng bạc, giấy tiền... Tất cả được dân làng dâng lên với tấm lòng thành kính của mình. Khi tiến hành lễ chính, thường có một ông chánh tế đứng ở giữa, hai ông phụ tế ở hai gian tả, hữu (tả - hữu phân hiến), bên cạnh ông chánh tế còn có ông Đông xướng, Tây xướng. Ngoài ra còn có một số lễ sinh (có nơi gọi là tư lễ hay học trò lễ), người đọc văn tế và một ban nhạc lễ (bát âm)... Toàn thể dân làng đều tham gia dự lễ tế. Sau khi đã chuẩn bị xong, không khí buổi hành lễ rất trang nghiêm, long trọng (như một  buổi thiết triều), chủ lễ đốt hương, cắm vào bát hương trên các hương án, bàn thờ... thì buổi lễ tế được bắt đầu. Nghi thức của lễ tế này diễn ra theo lệnh hô của người xướng - thông thường lễ chính gồm 3 phần (3 tuần) sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ (xem thêm phụ lục về quy cách - trình tự cúng - bái).

            - Lễ cúng đất:
          Thực ra lễ cúng đất là một phần nghi lễ không thể thiếu được của cúng cầu an, bởi cúng đất cũng chính là để cầu an (tạ thổ kỳ an - cúng tạ đất đai để cầu an), đất đai yên ổn mới tránh được bệnh tật, mọi việc làm mới được hanh thông. Theo quan niệm dân gian Hội An, ngoài các vị thần cai quản về đất đai có từ thượng, trung, hạ đẳng thần được nhà nước phong kiến sắc phong thờ trong đình làng thì còn một lực lượng đông đảo rất quan trọng liên quan đến đất đai, đến sự yên ổn, cuộc sống làm ăn của dân làng đó là các vong linh phiêu dạt, không có con cháu thờ tự, các chiến sĩ tử trận, nạn nhân bị ôn dịch, bệnh tật, chiến tranh, thiên tai... đặc biệt có cả nhiều vị thần, cô hồn của người Chăm như : chúa Lồi, chúa Lạc, Chăm, Chợ, Mọi, Rợ, Man, Ri, Mê linh, Khô cốt... mà cần phải cúng cấp thường xuyên, chu đáo, gọi chung là cúng đất. Lễ này phải thiết/đặt bàn ở ngoài sân, xoay theo hướng ngược lại với bàn thờ ở trong đình (người đứng cúng xoay ra) gồm 3 bàn hoặc 3 lớp (thượng, trung, hạ). Mỗi bàn đều có hương đèn, hoa quả, cau, trầu, rượu, giấy vàng bạc. Bàn thượng đặt bộ áo thổ thần, vật thực gồm có con gà, xôi, chè. Bàn trung đặt áo bà (2 bộ), 5 bộ áo ngũ phương. Lễ vật có miếng thịt heo luộc, xôi, bộ tam sên (gồm ba đĩa cua, trứng luộc  chín, miếng thịt tợ luộc) và mâm cỗ cúng cơm. Đặc biệt có đĩa rau luộc, chén mắm cá và cá, tôm nướng. Bàn hạ đặt áo giấy, cháo gạo muối, bánh tráng, bột nổ (đủ màu), khoai, đậu nấu... để cúng người Hời, người Mọi. Ngoài ra, người ta còn đặt một cái bè bằng thân cây chuối nhỏ, có cờ đuôi nheo dán bằng giấy cắm trên bè hoặc dán giấy trên sườn bằng nan tre hình Long Chu (thuyền rồng) - Vật này nhằm làm phương tiện để chuyên chở, tống khứ ôn hoàng, dịch lệ phá hoại dân làng. và bên cạnh đó còn có một bẹ chuối, bẻ cụp lại (giả làm các xà lét - hình thức giống đồ vật mang trên vai của người thiểu số). Khi cúng xong, cái bè chuối hoặc long chu thì đem thẻ ra sông (không có sông thì thả ở bầu, ao), còn cái bẹ chuối thì bỏ đồ cúng mỗi thức một tí rồi đem ra ngã ba, hay ngã tư hoặc ngoài đường treo lên hàng rào. Về cách thức và trình tự cúng tế thì cũng giống như việc cúng các chư thần, bậc tiền - hậu hiền ở trong đình. Cũng có ban tế lễ, ban nhạc, nghi thức xướng tế (sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ)... Tuy nhiên nội dung bài văn tế khác và người ta phải cúng ở ngoài này trước, hoàn tất xong mới cúng tế ở trong nhà (tức là cúng đất xong mới cúng cầu an). Đồng thời khi cúng tế xong cũng phải nhớ phát lương (tức là lấy gạo muối bột nổ vãi tung tóe xuống đất, xung quanh sân rồi đốt văn tế, giấy tiền, vàng bạc, rượu cúng cũng đổ xuống đất).

            Đặc biệt, lễ cúng đất còn được xem là một nghi lễ đầu tiên ở hầu hết các lễ cúng tại đình làng, miếu xóm, lăng, tại các nhà thờ tộc họ, chi, phái mỗi khi cúng tế và tại các gia đình vào những ngày giỗ/kỵ, lễ, tết... Tất nhiên, tùy vào tính chất, mức độ của từng lễ cúng mà lễ vật, quy mô lễ cúng đất có khác nhau. Nhưng quan trọng hơn cả và quy mô nhất vẫn là lễ cúng đất vào dịp mùa xuân này.

            - Lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp:
           + Lễ cúng cầu bông của cộng đồng cư dân nông nghiệp: ở Hội An, hầu hết các làng - xã nông nghiệp đều tổ chức lễ cầu bông gắn với lễ cầu an, cúng đất của làng hàng năm vào đầu mùa xuân. Thời điểm này cũng là lúc lúa đã lên đồng và bắt đầu đơm bông. Nghi lễ được dâng cúng tại miếu Thần Nông - Đây là nơi thờ Thần Nông, tương truyền là vị thần đã dạy dân trồng lúa, hoa màu và các vị thần bảo hộ nông nghiệp khác. Gọi là miếu, nhưng thực chất theo tín ngưỡng dân gian thì miếu thờ Thần nông không xây tường, không có mái che mà chỉ là một nền đất ở ngoài trời, xung quanh có bao bọc móng gạch để giữ đất và tạo cho nền cao ráo, vị trí của nó nằm gần sát với cánh đồng của làng. Đến đầu thế kỷ 20, có một số làng đã xây dựng thành miếu có mái che nhưng quy mô rất nhỏ  như miếu Thần Nông của làng Cẩm Phô. Do chỉ là một nền đất nên đến ngày cúng dân làng phải lập đàn, thiết lập bàn thờ, trang hoàng cờ lễ... Lễ vật cúng chủ yếu là hoa quả, các loại bánh, những nông sản, đặc biệt là phải có nhiều chén cơm in, trên có muối đậu. Có làng cúng lớn hơn, ngoài lễ vật trên lại có cả đầu heo, con gà giò (gà trống mới lớn) luộc chín, bắt chéo cánh kèm theo có miếng huyết, bộ lòng, cặp giò, cắm hoa trên miệng và dao trên lưng gà. Ngoài ra còn có đĩa xôi màu hồng (để có màu hồng này, ngày xưa người ta dùng vỏ cây kim long vắt lấy nước hòa vào nếp nấu xôi). Nghi thức cúng tế được tiến hành trình tự giống như việc cúng tế tại đình, nhưng có một bài văn tế với nội dung cầu cúng riêng, mong các vị thần chứng nhận cho tấm lòng thành đồng thời phản ánh ước vọng của người dân về một vụ mùa lúa nặng hạt, trĩu bông.

            + Lễ cúng cầu ngư của cộng đồng cư dân ngư nghiệp: Đối với cư dân nghề cá, ngoài sự lao đao, nhọc nhằn, vất vả không thua kém nghề nông, họ còn đứng trước nhiều nguy hiểm đến tính mạng trước sóng gió bể khơi, do đó họ luôn tin tưởng vào sự cầu cúng thần biển, thần cá và các chư thần cứu giúp trên biển cả. Đồng thời họ cũng tin tưởng rằng với sự cúng tế thành tâm thì các chư thần sẽ phù hộ, cho đánh bắt được nhiều sản phẩm tôm cá. Và cũng chính vì thế, lễ cúng cầu ngư chiếm một vị trí quan trọng nhất trong tín ngưỡng dân gian của cộng đồng cư dân ngư nghiệp. Cùng với lễ cúng cầu an, lễ cúng đất ở đình làng, đình tiền hiền của làng hầu như cộng đồng ngư dân đều tập trung cho lễ cúng cầu ngư. Có một số làng/vạn còn tổ chức lễ cúng cầu ngư riêng vào một ngày khác (tuy nhiên cũng vào dịp mùa xuân). Có thể nói, lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp của cư dân ngư nghiệp (lễ cúng cầu ngư) được tổ chức quy mô hơn, đậm nét hơn hẳn so với lễ cúng cầu bông của cư dân nông nghiệp và lễ cúng tổ của cư dân làm nghề thủ công.

            Lễ cúng cầu ngư được tổ chức trên bãi biển nên phải dựng rạp, lập đàn, lập bàn thờ và được trang trí rất đàng hoàng. Có nơi được tổ chức trên mặt  nước, ngay cửa biển (như làng Phước Trạch), bằng cách họ ghép các thuyền lại với nhau. Lễ vật dâng cúng nhiều, ít tùy vào điều kiện của mỗi làng/vạn, nhưng có một số lễ vật không thể thiếu là: hương đèn, giấy tiền, hoa, rượu, bánh, chuối, xôi, chè, gạo-muối, heo (cả con hoặc cái đầu heo hoặc vài miếng tợ thịt heo) hoặc con gà... Tuyệt đối không được dâng lễ vật làm từ hải sản.

            Trước khi tế lễ chính, từ ngày hôm trước, toàn thể ngư dân trong làng phải tham gia lễ nghinh rước hồn cá Ông; làm lễ cúng tiền hiền, hậu hiền; các thần linh trong làng và các cô bác âm hồn, các vị Tiền Vãng ngư tại các đình, lăng, miếu của làng/vạn về lăng Ông phụ hưởng. Tiếng trống đầu tiên của lễ thường do người già nhất, có uy tín trong làng thực hiện, cầu mong một năm mới tốt lành. Sau lễ nghinh rước là hát bả trạo (bả là cầm chắc; trạo là mái chèo)-Đây là một hình thức diễn xướng tập thể với  cách thể hiện, trình diễn khá độc đáo của cư dân ven miền Trung và cũng là để cầu nguyện cho xóm làng được yên vui. Đến gần sáng (khoảng 3 giờ) có lễ Thánh văn với nội dung kể về Đức Ông, các vị thần, công lao các vị tiền - hậu hiền... Lễ tế chính thức diễn ra vào lúc 4 giờ sáng với sự tham gia của dân làng và các cư dân lân cận. Và được bắt đầu bằng tuyên bố của chủ tế, tiếp theo là bài văn kể lại quá trình hình thành vùng đất, ý nghĩa thiêng liêng của lễ cúng, cũng như thể hiện sự thành kính, ca ngợi công đức, dâng trọn niềm tin sâu sắc và lòng biết ơn đối với sự che chở, bảo vệ của Ông (cá Ông). Nghi thức cúng cũng theo trình tự sơ -á - chung hiến lễ (3 tuần) như nghi thức cúng tại đình.

            Lễ cúng cầu ngư được kết thúc bằng nghi lễ xin hát trò bả trạo - gọi là xây chầu bả trạo. Đây là một nghi lễ không thể thiếu được, mở màn cho buổi hát thiêng. Người xây chầu là vị chánh tế, trống chầu là trống đại - đây là một bộ phận của nghi lễ.

            + Lễ cúng Tổ nghề (cúng tổ) của cộng đồng cư dân làm nghề thủ công - buôn bán: Theo quan niệm dân gian, nghề nào cũng có tôn sư, tổ sư hay thánh sư của nghề ấy. Vì thế hàng năm vào mùa xuân (ngày, tháng cúng của mỗi nghề có khác nhau như: nghề mộc cúng ngày 6/1; nghề gốm cúng ngày 10/1; còn nghề yến cúng ngày 10/3...), trước khi bắt đầu hành nghề cùng với việc cúng cầu an, cúng đất, cộng đồng dân cư nghề nào cũng tổ chức cúng tổ nghề. Lễ cúng tế nhằm tưởng nhớ đến công đức của Thần Thành Hoàng cùng các chư thần; của các bậc Tiền - Hậu hiền; và của Tổ nghề thông qua đó cầu mong một năm mới hành nghề được hanh thông, bội thu, phát tài, xóm làng được bình yên, vui vẻ...

            Lễ cúng được diễn ra tại các miếu thờ tổ nghề riêng như : Miếu tổ nghề gốm - Nam Diêu ở Thanh Hà; Miếu tổ nghề yến ở Thanh Châu... Có nghề khi chiếm đa số cư dân của làng như làng Kim Bồng thì tổ nghề được thờ ở hậu tẩm tại đình thờ tiền - hậu hiền. Ngoài ra, hình  thức thờ cúng tại các miếu Phổ nghề cũng rất phổ biến. Có nghề do ít hộ dân cư thì thờ riêng tại nhà vị thợ cả. Trước ngày cúng phải quét dọn sạch sẽ miếu tổ, đình thờ, trang trí cờ hoa lộng lẫy cả ở trong và ngoài khu vực cúng tế. Lễ vật cúng cũng đầy đủ hương, hoa, trà, quả, các loại bánh, mâm cơm cúng, đầu heo (đủ bộ lòng, móng, đuôi) và con gà trống (gà giò) để cúng xong còn xem quẻ tốt xấu cho một năm hành nghề. Năm có điều kiện khá hơn thì có con heo quay. Các lễ vật này trước là để cúng dâng lên các bậc thần thánh tổ nghề và tiền - hậu hiền... sau là để cho mọi người tham dự cùng hưởng. Lễ tế cũng diễn ra theo trình tự 3 tuần gồm sơ - á - chung hiến lễ do các vị chánh tế, tả, hữu phân hiến, các vị Đông xướng, Tây xướng, ban nhạc bát âm... thực hiện và phải có một bài văn cúng tổ nghề để đọc/xướng dâng lên cáo tổ.

            Điều đặc biệt đáng lưu ý là sau các phần nghi lễ cúng cầu an, cúng đất hoặc lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp thì các làng trong dịp lễ lệ mùa xuân này đều tổ chức các hoạt động vui chơi, tùy vào khả năng tổ chức và ý thích của mỗi làng, mỗi cộng đồng dân cư mà có các hoạt động như: rước đoàn/gánh hát bộ về biểu diễn, thi đấu cờ người, đá gà, chơi các trò chơi bài tới, bài chòi, đổ xăm hường hay các trò nhảy bao bố, kéo co, múa thiên cẩu, múa lân sư,... Đối với cư dân làm nghề chài lưới trên sông, biển thì không thể thiếu hội đua thuyền, cũng như đối với ngư dân ven biển thì xem hát bả trạo thu hút bà con rất đông và không muốn dừng lại...Có thể nói, lễ lệ mùa xuân (Xuân kỳ) gồm lễ cúng càu an, cúng đất và lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp tạo thành một lễ hội mùa Xuân hết sức sôi động, phong phú của từng cộng đồng, dân cư làng - xã ở Hội An.
 
              * Lễ lệ mùa Thu (Thu tế):
              Như chúng tôi đã trình bày, đặc điểm khí hậu thời tiết Hội An vào khoảng giữa mùa thu (trung tuần tháng 8 trở đi) là mùa mưa - lũ lụt bắt đầu (ăn đâu, ở đâu, ngày 10 tháng 8 chọi trâu thì về - ý nói thời điểm bắt đầu có lũ lụt). Do đó, đây cũng là thời điểm cơ bản chấm dứt các hoạt động nghề nghiệp, chấm dứt một mùa làm nghề. Chính vì thế, ngoài lễ tết/lễ hội Trung Thu (như đã trình bày) nét chủ yếu của lễ lệ mùa thu chính là các nghi lễ mang tính chất hậu tạ (cảm ơn) trời - đất, các chư thần, Phật - thánh- các bậc Tiền - hậu hiền... đã làm cho mưa thuận - gió hoà, giúp cho dân làng bình yên, sức khỏe, nhà nông được mùa màng bội thu, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, thợ thủ công làm ăn khấm khá... Đó cũng chính là những điều cầu xin của dân làng trong lễ lệ mùa xuân (cầu an, cúng đất, cúng tổ nghề...). Nếu năm đó làm ăn, mùa màng thất bại thì lễ mang ý nghĩa cầu xin cho mưa thuận gió hòa, cho sức khỏe, cho vụ mùa, làm ăn năm sau bội thu... Tuy nhiên, lễ lệ mua thu (Thu tế) quy mô không lớn và không rầm rộ, sôi nổi, phong phú, không nhiều hình thức cúng tế như lễ lệ mùa xuân (xuân kỳ) nhưng có thể nói, đây là những nghi lễ không thể thiếu, nó thể hiện rất rõ đạo lý biết ơn của các cộng đồng cư dân Hội An (ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Uống nước nhớ nguồn). Bởi tại đình làng hoặc từ đường của làng, miếu Thần Nông, lăng Ông (), miếu tổ nghề, những nơi mà dân làng vào mùa xuân (Xuân Kỳ) đã tiến hành các nghi lễ cầu an, cúng đất, cúng liên quan đến nghề nghiệp, toàn thể dân làng đã cầu xin và hứa hậu tạ thì nay dân làng cũng lại tập trung tại đây tham gia để tế thu, dâng cáo, cảm tạ và tiếp tục cầu xin lên Thần Thành Hoàng cùng các chư thần và Tiền - Hậu hiền, tổ nghề. Trình tự nghi lễ cũng giống như lễ cúng cầu an, cúng đất... gồm đầy đủ các lễ vật dâng cúng với 3 tuần: sơ - á - chung hiến lễ và thực hiện vởi đầy đủ các vị được bầu ra: chánh tế, phân hiến, Đông xướng, Tây xướng, ban nhạc lễ, đọc văn tế... Trước hết, nghi lễ được tổ chức tại đình làng hoặc nhà từ đường của làng, sau đó mỗi cộng đồng cư dân nghề nghiệp khác nhau lại tiếp tục thực hiện phần lễ cúng riêng của mình. Nếu năm nào mưa thuận - gió hòa, mùa màng bội thu thì sau phần lễ cúng là phần hội cũng rất sôi nổi, nhiều hoạt động không thua kém gì lễ lệ mùa xuân.

            Lễ lệ hàng năm ở Hội An, ngoài các nghi lễ, cúng cấp theo “xuân kỳ - thu tế” như đã trình bày ở trên, còn các lễ lệ theo từng cộng đồng cư dân khác nhau như: Lễ tế tại Văn Chỉ (ngày Đinh tháng 2) của các làng, lễ cúng tại các miếu Ngũ Hành, miếu/lăng Ông/Bà... theo từng xóm - giáp, thôn - ấp; Lễ vía Sanh Thai Tiên Nương (01/2 âm lịch), Lục Tánh Vương Gia (16/2 âm lịch) Thiên Hậu Thánh Mẫu (16/3 âm lịch)... của cộng đồng cư dân người Hoa; Lễ Phật Đản (15/4 âm lịch), Vu Lan (15/7 âm lịch)... của các tín đồ Phật giáo; Lễ Phục sinh (chủ nhật đầu tiên của tháng 4 dương lịch), Giáng Sinh (25/12 dương lịch)... của bà con tín đồ Thiên Chúa giáo; Lễ vía Quan Thánh Đế Quân (24/6 âm lịch) của cả cộng đồng cư dân Hội An...
 
            III. Các lễ tục:
            Lễ tục dân gian ở Hội An, trước hết là lễ tục truyền thống của dân tộc Việt Nam, mà lưu dân Việt từ phía Bắc (chủ yếu ở Bắc Trung bộ, thuộc các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh) vào đây đã mang theo trong tiềm thức của mình như một thứ hành trang vô hình mà bền chặt trong cuộc sống trên vùng đất mới; kế đến là tàn dư lễ tục của cư dân Chàm; có sự giao hòa của cư dân người Hoa, người Nhật; với cái nền chi phối của tôn giáo truyền thống: Phật, Lão, Nho và địa mạo, thủy văn đặc thù... Chính từ những yếu tố trên mà lễ tục dân gian ở Hội An trở nên khá phong phú, đa dạng. Dưới đây, chúng tôi chỉ xin được điểm qua một số lễ tục nhằm góp phần bổ sung nhận thức về diện mạo di sản văn hóa phi vật thể ở vùng đất này.
 
            * Mãi thổ, Tá thổ:
            Theo dịch nghĩa, Mãi thổ, Tá thổ có thể hiểu là “Mua đất” hay “Mướn đất”. Phải chăng, với ý nghĩa, do cội nguồn của vùng đất, trước kia là của người Chàm nên phải mua hay mướn đất mà có lễ tục này. Mãi thổ, Tá thổ đều có chung một ý nghĩa, chỉ khác về quy mô, hình thức tổ chức và tùy thuộc vào phương tiện, điều kiện, mức độ để tiến hành lễ tục.

            Mãi thổ, Tá thổ được tổ chức khi trong làng, xóm xảy ra những việc khác thường như hay có hỏa hoạn, dịch bệnh, chết chóc, quỷ hiện, chó tru... thường được người ta quy vào “động đất” (Thời hư quỷ lộng, đất động chó tru). Nghĩa là có những vấn đề về đất đai. Để thực hiện, phải làm sổ quyên góp, trước sổ (trang đầu) có ghi bản văn nêu lý do, có triện lý trưởng làm bằng đem đến từng nhà quyên góp. Cúng tiền tùy theo khả năng từng nhà, tùy số tiền thu được nhiều hay ít mà có hình thức cúng lớn hay nhỏ - Tức là mãi thổ hay Tá thổ. Trước khi tiến hành phải làm đơn xin phủ hoặc huyện để hợp pháp phòng bất trắc, đơn phải ghi rõ lý do và dân xã phải chịu trách nhiệm về an ninh, tuần phòng.

            Mãi thổ là một cuộc lễ long trọng, phiền toái và rất tốn kém. Việc đầu tiên là phải rước thầy chứng minh, người “cao tay ấn”, làm sao cho được “Ngu, nương ứng đồng đo đạc” (đo đất đai) mới là có kết quả. Sau đó tiến hành làm hình tượng các vị thần, thánh. Làm hình người, dán giấy y như thật, rất tốn kém hoặc chỉ dùng giấy vàng, trắng vẽ lên như một bức tranh. Khi cúng treo trên bàn thờ, (cách này hay dùng, vì ít tốn kém hơn). Mọi việc chuẩn bị xong thì vào ngày tốt đã chọn, thầy cả cùng các thầy con đến. Phải có nhà riêng cho thầy cả và thấy con nghỉ, dọn bàn thờ tổ, viết bùa, sớ...

            Trong khi đó làng phải thiết trí rạp, được chọn tại nơi rộng rãi (sân đình hoặc đất trống) thuận tiện. Trong rạp bày 5 bàn thờ (ngũ phương nội trấn). ở ngoài, trên địa phận xã lựa nơi ranh giới đặt 5 bàn, 5 hướng (ngũ phương ngoại trấn).

            Trong rạp, bàn trên cao thờ: Tam thanh thượng thánh; Tiếp theo là Thái thượng lão quân có thanh ngưu độc giác (con trâu xanh 1 sừng). Bàn dưới: có 6 động, thờ 6 vị: Hồng, Hạnh, Liễu, Thái, Xuân, Tri (bằng tượng nổi hoặc tranh vẽ). Dưới nữa có bàn thờ Thái giám Bạch mã, Khai hoàng hậu thổ, Vạn phước phu nhân. Hai bên có: Tiêu diện đại sĩ, Diệm khẩu quỷ vương. Dưới có bài vị Thổ Khâm, thổ Khanh, thổ Mạnh, thổ Trọng, Chúa Lồi, Chúa Lạc, Chủ Ngu, Man Nương, Chăm, Chợ, Mọi, Rợ. Quanh rạp có 5 động, bao quanh mỗi động bằng cót tre, để 5 bàn nhỏ, có bài vị ngũ phương, ngũ hướng, trên có một lá bùa và viết câu chú xin mở cửa động.

             Dưới chân bàn thờ, trước nơi các thầy lễ bái có bàn các lễ vật. Hai cái xà lét (giống đồ vật mang trên vai của người thiểu số), trong đó có một cái rựa, một rìu, búa và 2 cái xà lét khác để trống (sau này đựng đồ ăn), một cây sào dài (dựng ở rạp), 1 cây tre làm trượng (đơn vị đo đất). Rìu, rựa, búa đều làm giả bằng gỗ. Đầy đủ các thầy thì phải có 7 người: 1 thầy cả chứng minh; 2 thầy tả, hữu chức; 2 thầy tả, hữu đô; 2 thầy tả, hữu phi và một dàn nhạc gồm: 1 tay trống, kèn, đờn, tang, chụp chỏa... Giờ tốt được chọn, các thầy tề tựu trước các bàn thờ, đứng sau lưng thầy cả là vị tín chủ do xã cử ra (cũng có 1 vị bồi chủ - dự khuyết). Lễ vật cúng là gà y con, xôi, bánh quả phẩm, chuối, trái cây, rượu, trầu cau. Thầy cả đầu đội mũ văn lang, mặc áo phi, tay ngắn rộng, áo màu vàng có thêu thủy ba, gắn hình bát quái, chân mang hài xính tử, màu tím, mũi giày cao. Tay cầm lệnh bài và kim ấn: Thái thượng chơn quân. Hai thầy con đứng gần thầy cả, một người cầm khăn ấn, cầm tang, 1 người cầm mõ, cầm chuông. Thầy chứng minh, tay đưa lên bắt quyết và đọc lời dẫn thánh có tiếng tang, mõ đánh theo. Dàn nhạc bắt đầu điểm trống khai khoa. Nghi lễ được tiến hành lần lượt qua các bàn thờ và 5 động quanh rạp, rồi các thầy tụng các bài xuất tướng, xuất binh trấn quỷ. Công việc trên có khi mất đến 4 - 5 tiếng đồng hồ. Song việc ngũ phương nội trấn đến ngũ phương ngoại trấn. Người ta chuẩn bị sẵn 1 cái như hình cái kiệu (cộ), gồm 2 cây tre, trên có cây ngang đặt một cái ghế, trên ghế có 2 cặp dao phay mài thật bén, bắt chéo lại hình chữ V, đấu lưỡi với nhau. Sau khi cúng đàn xong thầy cả đội mũ, mặc áo ngắn, hai tay cầm bùa, bắt ấn quyết, mình đóng khố, che sơ hạ bộ, leo lên ngồi trên 2 cặp dao, 4 người trai khiêng kiệu lên vai, thầy cả ra lệnh cho các thầy con, tín chủ, các hương chức trong làng đi theo. Thầy miệng tụng chú, tay ra ấn cho kiệu khiêng đi trên đường lần lượt đến 5 bàn thờ (ngũ phương ngoại trấn). Trống, chiêng, nhạc đi theo đánh vang dội, tiếng tụng niệm hò hét của các thầy, dân làng ùa theo xem, cảnh tượng rất náo nhiệt và cảnh thầy cả ngồi trên cặp dao phay cũng rất rùng rơn. Đến mỗi bàn thờ (ngũ phương ngoại trấn), đoàn kiệu dừng lại, thầy cả xuống cúng các thầy con tụng niệm. Rồi 1 thầy đến trước án, cầm khăn giật mạnh, đưa tay mở đàn (động tác - tưởng tượng), sau đó ấn phù, tay đập mạnh xuống bàn ra lệnh cho vị thần này ở đây cai quản đất đai không cho ngoại quỷ xâm nhập. Hết đàn nọ đến đàn kia rồi ra lệnh quay về. Sau khi nghỉ ngơi lại tiếp tục buổi lễ quan trọng nhất - lễ cầu sai Ngu, Nương tại rạp ngũ phương nội trấn. ở đây, người ta bày thêm trước các bàn thờ, giữa rạp 2 hũ bằng đất mới, đổ đầy nước vào, lấy 2 vuông vải mới, buộc kín lại, thầy cả khoán và vẽ bùa lên mặt vải. Trên các bàn thờ 5 đàn nội trấn đều hương đèn sáng rực, các thầy con đứng thành 2 hàng, thầy cả mũ áo, ấn quyết khai khoa đọc chú, triệu thỉnh Ngu, Nương và các thầy con cũng tụng niệm theo, cùng với tiếng nhạc (tang, trống, mõ...) vang dội. Việc đọc chú, tụng, niệm này kéo dài liên tục, các thầy mệt có thể thay nhau nghỉ nhưng không được ngừng (có khi kéo dài 4 - 5 tiếng đồng hồ). Cho đến khi nào có người đi đường, ngang qua hay là người đang cày, cuốc... trong vườn, ngoài đồng chạy đến, xưng là Ngu (chồng) đi tìm Nương (vợ) hoặc ngược lại và cho đến lúc 2 người tìm gặp được nhau (Ngu gặp Nương). Lúc này sẽ diễn ra hình thức, Ngu (chồng) kéo sào đi trước, Nương (vợ) lật đật, vội vàng nắm sào đi theo và các thầy cúng, cùng tín chủ, hương chức trong làng cũng lục tục theo sau. Việc đo đất được tiến hành, họ vừa đi vừa kéo sào đo, khi kéo tới, khi giật lui, đi quanh làng. Cũng có lúc giận dỗi, chồng (Ngu) cho nhiều đất, còn vợ (Nương) giận hờn đòi lại. (Do hiện tượng này mà có câu thành ngữ: Làm như Ngu với Nương - ý chỉ một việc gì mà kẻ muốn người không). Công việc đo đất này kèo dài cho đến khi Ngu, Nương thăng xong (tức là trở lại trạng thái bình thường), có khi mất nửa ngày. Như vậy là cuộc mua đất hoàn thành, dân làng thỏa mãn, từ nay được bình yên. Cuối cùng các thầy, cùng tín chủ, hương chức làng xã làm lễ tạ và tống thần. Cũng kinh, kệ chú, chuông, trống, tang, mõ... ê a tạ khắp từng bàn (nội trấn, ngoại trấn).

         Tá thổ: Hình thức này được áp dụng nhiều vì thời gian ngắn và ít tốn kém hơn. Tá thổ chỉ có 3 thầy, một thầy chứng minh (thầy cả) và 2 tả hữu chức. Bùa ít hơn, nội trấn ngũ phương không đặt bàn mà chỉ đốt hương 5 hướng, không có ngũ phương ngoại trấn và bàn bày sẵn búa, rìu, xà lét. Các thầy đúng giờ đến tụng niệm thần chú và đọc khóa cúng các bàn trên dưới, tả hữu và cái kiến. Tờ kiến cũng như các đơn xin ngày nay, ghi điều thỉnh nguyện, cúng xong thì tạ thần, phát lương cho âm linh cùng cô hồn là xong.
           
           * Tục rước Long chu:
            Long chu, theo nghĩa từ chữ Hán: Long là rồng; chu là thuyền, đó là chiếc thuyền rồng, nhưng thực chất là đầu rồng đuôi phụng và được làm bằng tre, dán giấy, đặt trên một chiếc bè tre hoặc bè chuối. Hàng năm, trong dịp cúng đất cầu ăn vào đầu năm (mùa xuân), dân làng hay làm Long chu rất nhỏ (dưới 0,5m) để chuyên chở thần tướng, âm binh... áp tải, tống ôn hoàng, dịch lệ, nhưng đặt tại bàn cúng (cúng đất). Sau khi cúng thì thả ra sông biển. Còn tục rước Long Chu chỉ diễn ra khi nào trong làng - xã, thôn - xóm - ấp có dịch bệnh hoành hành hoặc nhiều vấn đề mất an ninh không giải quyết được, mà các “thầy pháp/phù thủy/thầy địa” cho rằng ôn hoàng dịch lệ, tà, quỷ quấy phá. Lúc này các vị bô lão, đại diện cho cộng đồng dân cư gặp nạn phân chia đến từng nhà đặt vấn đề rước Long Chu và quyên góp (gọi là lạc quyên). Khi được mọi người dân trong cộng đồng thống nhất, đóng góp tổ chức thì người ta họp bàn, lập một ban chuyên lo tổ chức, mời thầy (pháp sư) làm Long chu, chọn địa điểm... Vị pháp sư được mời phải là người có đầy đủ khả năng, cao tay ấn, uy lực để chủ trì lễ tế: địa điểm được chọn để hành lễ phải là nơi rộng rãi, cao ráo thích hợp, chọn xong thì dựng rạp và bố trí bàn thờ, bài vị thổ thần, đầy đủ lư hương, chân đèn bằng đồng, lọng tán... tất cả đều huy động mượn từ các nhà trong làng - xóm, rồi chưng quả phẩm, bông hoa, trái cây. Quan trọng nhất phải lo làm Long Chu, dài khoảng 3m, rộng 1,5m, dán giấy màu ngũ sắc, mang hình một con rồng uốn khúc đủ cả râu, ria, vảy, mắt lồi, nhe răng nhọn nhưng đuôi phụng. Trên Long Chu bố trí chỗ ngồi bên cạnh cột buồm bằng tre, trước có bánh trái, chè, xôi, chuối, mỗi thứ một tí và giấy vàng mã. Trước khi vào lễ chính, thầy cả dẫn các phụ tá của mình là 7 thầy pháp và các học trò lễ đi làm phép “trấn đạo lộ” (trấn yểm) ở các nơi nghi ngờ có ma, quỷ tụ tập như ngã ba, ngã tư, bằng cách cắm những mảnh bùa bằng gỗ hoặc tre, trên đó đã được vẽ sẵn các hình thù quái dị. Đồng thời tại các ngã ba, ngã tư, đường làng, ngõ xóm khắp nơi được phát quang, rải vôi, dọn vệ sinh sạch sẽ, thoáng đãng. Đoàn trấn yểm thường rất đông dân làng tham gia, đi đầu là những người cầm trống, chiêng, thanh la... vừa đi vừa la hét nhằm tạo thanh thế làm cho ma quỷ hoảng sợ, xua đuổi tà khí. Mọi công việc chuẩn bị đã xong, thầy cả (pháp sư) làm phép “khai quan, điểm nhãn” cho Long chu, lấy mực và son vẽ 2 con mắt, rồi làm “lễ vô khoa” (lễ cúng tổ phù thủy) khởi đầu cho các lễ sau. Lúc này, vị bô lão đại diện cho dân làng mặc áo thụng xanh, đứng chủ tế cùng một số bô lão khác (ban chánh tế) thắp hương khấn vái trước bàn thờ cầu mong sự bình yên và dâng sớ, đọc văn. Tiếp theo là vị pháp sư (mặc áo in hình bát quái, thắt lưng đỏ, vắt khăn ấn đỏ hoặc vàng, chân đi hia, đầu đội mũ tỳ lư, tay cầm cái vãng cắm hương hoặc cái kỵ lịnh - chuông lắc) tiến vào bốc gạo muối trên bàn thờ tung vãi bốn phương, miệng lâm râm niệm chú, rót mấy tuần trà rượu dâng lên bàn thờ và đốt giấy vàng mã. Phần nghi lễ tại bàn thờ đã xong, vị pháp sư tiếp tục miệng niệm chú, bước lên ngồi trên Long chu, 4 tay lực lưỡng (mặc áo dài đen, bịt khăn, lưng thắt dải lụa đỏ ngang hông), khiêng trên vai giàn tre, có Long Chu đặt ở trên và xuất hành - rước Long Chu. Rước - thực chất là chạy lúp súp khắp đường làng, ngõ xóm. Khi đoàn rước khởi hành đám trẻ và những người hiếu kỳ rượt đuổi theo, chiêng trống khua om tạo thành những âm thanh rầm rộ, inh ỏi. Một số người có trách nhiệm chạy theo sau Long Chu, tay cầm roi dâu, vừa chạy, vừa quất hai bên đường để xua đuổi tà ma theo Long Chu, các nhà khi thấy Long Chu rước qua cũng lấy roi dâu quất, xua đuổi theo và giật bùa xung quanh Long Chu để về dán trước nhà/cổng ngõ nhằm đuổi tà, ngăn quỷ. Sau khi đi hết những nơi yểm tà, đám rước dừng lại ở một nơi rộng rãi, vắng vẻ, phía cuối làng bên bờ sông để đốt Long Chu và thả những chén dầu lạc/dầu phụng trên Long Chu xuống sông theo nghi thức phóng đăng. Đến đây, đoàn rước kết thúc trở về, chủ lễ bái tạ tại bàn thờ và cho thu dọn, tháo dỡ mọi thứ. Lúc này, tất cả dân làng - xóm thôn đều hoan hỉ vì nghĩ rằng ôn hoàng dịch lệ, tà quỷ đã bị tống khứ, thiêu cháy cùng Long Chu và cuộc sống bình yên đã trở lại.
           
             * Hành kiệu và sát phạt:
            Khi trong làng - xã, thôn - xóm có bệnh dịch hoành hành, dữ dội, gây chết chóc, hoảng loạn cho mọi người. Theo quan niệm dân gian cho rằng đó là do ôn hoàng, dịch lệ, tà quỷ quấy phá, chúng đem tai cách, gây họa cho con người, chính vì thế nếu chỉ uống thuốc thì không khỏi mà phải cúng nhương cầu đảo. Lúc đầu đặt bàn cúng tại các làng - miếu, mời thầy phù thủy hoặc thầy cúng (thầy tu) đến cúng có khi cả một ngày - đêm. Dùng giấy tiền vàng, châu sa, thần sa vẽ bùa trừ tà, trên giấy viết mấy chữ “Thiên hành dĩ quá” (tai ương trời làm đã qua), phát cho mỗi nhà một lá đem về dán ngay cửa ra vào và đốt hương cắm theo hai bên cửa. Trước ngõ thì quét vôi trắng hai bên trụ, nhà không có trụ ngõ thì lấy hũ hoặc tỉn quét vôi trắng úp lên cây trụ trồng ở cổng/ ngõ. Sau những cách này, bệnh dịch giảm bớt thì mọi người đều mừng rỡ, sắm sửa phẩm vật, cúng tạ ở lăng miếu. Trong lúc ấy, cũng có nhiều vị thầy cúng đi quanh xóm làng, mang theo những lá bùa trừ tà phát cho gia đình dân chúng và lấy 5-3 tiền gọi là tiền phát bùa hay lãnh bùa.

            Khi mà những cách trên cùng với uống thuốc mà bệnh dịch vẫn hoành hành dai dẳng thậm chí còn tăng thì người ta phải dùng đến phép cao hơn là cầu đảo xin hành kiệu và sát phạt. Bởi vì theo dân gian cho rằng, bọn ôn hoàng, dịch lễ quá dữ, những vị Thành hoàng, Ngũ hành, bùa “thiện hành” chưa thể trừ yểm, trị nổi được chúng cho nên phải cần nhờ đến một vị khác có quyền uy hơn về lĩnh vực này, thì chúng mới chịu thua mà lánh đi nơi khác. Vị cao cả hơn, có đủ quyền uy hơn hay cứu giúp dân gian và siêu đẳng hơn cả không ai bằng Quan Công - tức Hiệp Thiên Đại đế Quan thánh Đế quân (ngài nguyên là Quan Vũ - Quan Vân Trường, tướng đời Hán - theo tích truyện Tam Quốc Chí diễn nghĩa của Trung Quốc, đã hiển Thánh sau khi chết). Đây là một nhân vật Trung - Tín - Tiết - Nghĩa, can trường, xưa nay ai cũng ca ngợi, phụng thờ và có người thuộc hạ là Châu Thương, Quan Bình cũng là những kẻ vũ dũng hơn người. Bọn ôn hoàng, dịch lễ thấy mặt đều sợ hãi. Khi cầu đảo ngoài việc sắm lễ vật cúng còn phải làm một cái kiệu. Kiệu (cộ) là một cái ghế ngồi thờ - giống như ngai vua, hai bên có cây kèm để cho 4 người khiêng. Khi kiệu đã sẵn sàng trước sân miếu Quan Thánh Đế Quân, ông chủ bái sau khi đã trai giới mộc dục (ăn chay và tắm rửa sạch sẽ) cùng vài thầy cúng đứng trước hương án cúng vái, tụng niệm, thời gian không chừng (1 vài 3 tiếng đồng hồ), chỉ biết đến khi “bỗng nhiên” trong các kẻ đứng xem quanh miếu, hay có khi là một người ở ngoài chạy vào, đầu lắc lư, mặt đỏ gay, tay múa may chạy  xộc vào trước bàn thờ lạy, rồi lấy cây thương hay cây đao (Thanh Long đao) cầm ra trước kiệu múa may và dục khiêng kiệu đi, bốn người khiêng kiệu đi theo sau. Người cầm đao hay thương có ý là Châu Thương đi trước dẫn đường cho kiệu Quan Thánh Đế Quân lên đường đi trừ ôn hoàng dịch lệ. Lúc này, dân chúng hai bên đường đốt vàng bạc, lạy theo, khói lên nghi ngút. Bốn người khiêng kiệu, lúc thì đi bình thường, lúc thì chạy vụt lên, khi đương chạy thì bỗng dừng lại đột ngột, rồi lại vụt khiêng chạy mau... cứ như vậy, qua suốt các đoạn đường của làng - xã, xóm - thôn. Người cầm đao (Châu Thương) cũng có lúc dừng lại, lúc chạy trước, khi thụt lui bất thường. Do vậy, người khiêng kiệu rất vất vả, phải chuẩn bị nhiều người để thay nhau. Trên đường kiệu đi qua, nhân dân thành khẩn, kính cẩn đốt hương vàng bạc, vái lạy và có lúc ngoài người cầm đao (Châu Thương) còn xuất hiện cả Quan Bình đi hầu Quan Công. Kết thúc kiệu khiêng về lại miếu, lúc này “tự nhiên” mấy người “Châu Thương, Quan Bình” lăn ra đất - gọi là “thăng”. Làng xóm lấy rượu tưới khắp mình hai người rồi xoa bóp cho họ tỉnh lại. Theo mô tả lại ngay cả người khiêng, mặc dù là kiệu không có người ngồi nhưng lại thất rất nặng, và người khiêng không làm chủ được mình, khi phải chạy nhanh, đi chậm, lúc dừng lại... Do những sự trạng này, mà dân làng rất tin vào quyền phép linh thiêng trong việc tẩy trừ ma quỷ, ôn hoàng, dịch lệ.

            Sau khi bái tạ Quan Thánh đế quân, mọi người giải tán về nhà với lòng phấn khởi, hoan hỉ tin tưởng vào sự bình an trở lại với xóm làng.
           
             * Lễ tang cá Ông:
            Đối với cư dân ngư nghiệp ven biển, hàng năm, không chỉ định kỳ thờ cúng cá Ông mà bất cứ lúc nào, nhất là lúc biển động, thỉnh thoảng xác cá ông lại trôi dạt vào bờ, ngư dân đều phải tổ chức làm tang lễ - cúng tế, thờ tự.

            Cá Ông - là danh xưng phổ biến chỉ cá voi, có cơ chế hoạt động như động vật có vú, thở bằng phổi, nuôi con bằng sữa... nhưng môi trường sống lại ở dưới nước. Theo quan niệm của ngư dân ven biển, cá Ông là một động vật linh thiêng ở biển, tuy thân hình đồ sộ, to lớn nhưng không bao giờ làm hại người, trái lại đã từng cứu người làm nghề trên biển khi gặp tai nạn. Về truyền thuyết, từ thời cư dân Chàm, tín ngưỡng về Cá Ông đã gắn với câu chuyện liên quan đến vị thần Pô Riak có tên là Cha-Aih-va thường biến thành cá voi để cứu nạn trên biển. Hay theo truyền thuyết của cư dân Việt ven biển miền Trung - cá Ông vốn là hóa thân của những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm, cứu nạn những người trên biển. Còn sử triều Nguyễn khi viết về quãng đời bôn tẩu của Nguyễn ánh (vua Gia Long) cũng nhắc đến chuyện ông được cá voi cứu sống trong một lần thuyền sắp bị đắm. Vì thế khi lên ngôi, Gia Long phong cá Ông là “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân thượng đẳng thần”. Đời vua Minh Mạng đặt tên cho cá Ông là Nhân ngư; Vua Tự Đức lại đổi tên là Đức Ngư và các vua Triều Nguyễn về sau cũng đều có sắc phong “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần”.

            Như vậy, sự thiêng hóa về cá Ông (từ cá voi) trở thành một thần linh được xuất phát từ những đặc tính riêng có của loài cá này, rồi dân gian truyền thuyết hóa và đặc biệt được nhà nước phong kiến ủng hộ, phong chức để dân thờ phụng và thậm chí khi Ông lụy (cá Ông chết) còn cấp cả “tiền tuất” cho dân làng địa phương lo tang ma chu đáo. Ngoài ra còn cấp cho hương đèn, vải đỏ (quấn 7 vòng); cấp cho đất để chôn, có lăng để thờ... Do đó, việc tang ma, thờ cúng cá Ông đối với ngư dân là hết sức quan trọng. Khi cá Ông còn sống - gọi là ông Sanh - Đông Hải Ngọc Lân tôn thần, ở ngoài biển cứu trợ ngư dân; Khi cá Ông chết /lụy gọi là Ông tử - Nam Hải Ngọc Lân tôn thần - là phúc thần liên quan đến bản mệnh, sự hưng, vong của vạn chài, được thờ ở làng.

            Ở Hội An, khi cá Ông chết - gọi là Ông lụy, dân làng/vạn chài coi như một điều lành, vận may, phát đạt sẽ đến. Lễ mai táng - cúng tế cá Ông là việc chung của mọi ngư dân sông biển có ra vào theo lối Cửa Đại và được tổ chức theo sách “Thọ mai gia lễ” giống như người  (đối với cha, mẹ) nhưng có giảm lược bớt. Người đầu tiên gặp cá Ông chết - tức là được Ông tín nhiệm, thì sẽ vinh hưởng làm Trưởng nam, bịt khăn đỏ, để tang 100 ngày. Sau khi lập tang chủ, lập hội đồng hộ lễ thì nghi lễ tang ma được tiến hành gồm:

            - Ngày đầu: Tắm gội - nhập quan - thiết linh sàng - thành phục.

            - Ngày thứ hai: ban ngày tế lễ, ban đêm hát chèo/bả trạo.

            - Ngày thứ ba: Tiến hành nghi táng, hát bả trạo đưa linh Ông. Hạ huyệt xong làm một cuộc đua ghe ngang (ghe thường) mang tính thủ tục vài vòng ngắn cho có lệ để Ông chứng lòng thành và các âm hồn vui hưởng mà không quấy phá.

            - Sau 3 ngày thì cúng mở cửa mả, làm tuần 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày (chung thất), 100 ngày (đại tường). Trước Đại tường 10 ngày làm lễ Đàn tế (bỏ tang phục) có đọc văn tế.

            - Đủ 3 năm thì cải táng, lấy xương, sắp vào quách đã xây sẵn ở trong lăng Ông (quách ở đây được xây giống như cái hầm nằm dưới bàn thờ chính điện). Nếu chưa có lăng (vì lần đầu tiên gặp Ông lụy/chết) thì phải xây lăng. ở đây cá Ông được cúng tế theo lễ lệ hàng năm và cũng có ngày giỗ kỵ như người.

            * Tục xô cộ:
            Trong các dịp cúng tế tại Chùa, đình làng, miếu, hội quán... vào những ngày lễ lệ mùa Xuân, mùa Thu hay cúng Nguyên Tiêu tại các hội quán người Hoa; Lễ Phật Đản (14/4 âm lịch), lễ Vu Lan (15/7 âm lịch) tại các chùa Phật; Lễ vía Quan Thánh đế quân tại miếu... và cũng tùy theo điều kiện kinh tế, tín ngưỡng của từng cộng đồng làng xã, dân cư mà có các cộ quả phẩm dâng cúng lên Phật, Thần, Thánh... được đặt làm to, nhỏ khác nhau gồm: cộ heo, cộ bánh, cộ gạo nếp, cộ muối, cộ trái cây... nhưng phổ biến vẫn là cộ bao gồm các loại bánh, trái cây, gạo  muối, tiền xu... Cộ được đặt/dựng ở trước sân, cúng xong rồi xô đổ/nhào xuống đất. Chính vì thế tục gọi là xô cộ.

            Mỗi cộ được làm có một sườn/cốt làm bằng tre, đan theo hình chóp (đường kính đáy khoảng 1,5 - 2m), bên ngoài phết bằng giấy màu, thường là màu vàng hoặc màu đỏ, từ dưới lên đến tận chóp cộ. ở bên ngoài người ta gắn/kết các loại bánh (gồm bánh khô, bánh lá...), gạo, muối (bỏ vào từng bao vải nhỏ, may lại), tiền xu, trái cây đủ thứ... Nói chung đây là những đồ vật do các gia đình trong cộng đồng dân cư mang đến cúng để làm cộ. Tất cả các đồ vật này kết theo hình chóp với đủ sắc màu (nhất là màu giấy gương gồm ngũ sắc - 5 màu gói các loại bánh khô) trông rất đẹp mắt. Nếu là quả heo quay thì phải có 3 con, chất ôm xoay theo hình chóp, đầu heo chụm lại phía trên đỉnh, căng 4 chân gắn úp vào sườn. Cộ lại được đặt trên một giàn tre, cao khoảng 2 - 3 m, dựng trước sân đình, chùa, miếu hay hội quán... Khi cúng phải thỉnh một vị cao tăng, đầu đội mũ hiệp chưởng, mặc điền y, ngồi trên giàn tre, tay bắt ấn, miệng niệm chú, cùng tiếng chiêng, trống, lẫn tiếng tang, linh theo nghi lễ Phật giáo, với nội dung nhằm kêu gọi linh hồn uổng tử, cô hồn thập loại... tập trung đông đủ tại lễ đàn. Sau khi phần nghi lễ xong, theo tiếng hú của vị hòa thượng chủ trì chứng minh vừa dứt thì lệnh đẩy các cộ đầy quả phẩm này được xô từ trên giàn tre xuống đất. Lúc này, mọi người dự xung quanh (nhất là trẻ em) xông vào cố giành lấy cho mình ít nhất một vật phẩm... Nếu cộ là heo quay thì có rất nhiều nhóm xông vào nhưng chỉ có một nhóm là giành được và ôm chạy. Theo tín ngưỡng dân gian, cộ làm ra được nhiều người tham dự hưởng ứng, giành giật như vậy là tốt. Đồng thời người ta tin rằng những vật phẩm bắt được vào dịp này sẽ có nhiều may mắn, vì đây là các vật phẩm đã được các vị Phật - thần linh làm phép ban tặng lại, có khả năng làm cho chữa trị được nhiều bệnh kinh niên mau lành, con trẻ khó nuôi sẽ khỏe mạnh, chóng lớn...
 
(Trích sách Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử,  Xb: 2010, trang: 183 - 207, Tác giả: Ths. Nguyễn Chí Trung)
 

Tác giả: Ths. Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây