Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Lễ cúng tổ nghề may

Lễ cúng tổ nghề may
Tìm hiểu về nghề may ai cũng biết đây là nghề truyền thống có từ lâu đời của người Việt Nam và bắt nguồn từ khi con người biết trồng dâu nuôi tằm. Thế nhưng, để xác định được vị Tổ nghề thì rất khó. Riêng ở Hội An được các bậc cao niên truyền lại rằng: vị Tổ nghề may là Bà Nguyễn Thị Sen. Bà vốn là người ươm tơ dệt lụa đẹp nhất vùng. Bà đã chế biến ra sợi chỉ bằng lá dứa mà phụ nữ nông thôn thường dùng để may vá. Lá dứa đặt trên tấm ván, lấy chén cán mềm đến khi còn xơ đem phơi khô rồi xe lại thành sợi chỉ lượt. Tương truyền Bà sinh vào ngày 12 tháng chạp và mất vào ngày 12 tháng giêng.
Tưởng nhớ đến vị Tổ nghề, các nhà may chọn ngày 12 tháng chạp để giỗ Tổ. Giỗ Tổ là dịp thợ may thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người đã khai sáng ra nghề may mặc. Ngoài ý nghĩa ôn cố tri ân, việc giỗ Tổ còn khẳng định, tôn vinh nghề của mình, là bằng chứng cụ thể để thấy vị trí của nghề may và cũng là dịp trình nghề nhằm giới thiệu những thành tựu của nghề nghiệp.
Lễ cúng diễn ra vào buổi sáng. Bàn cúng được lập nơi khang trang (thường đặt ở vị trí gần bàn may). Lễ vật gồm hoa quả, trầu rượu, chén nước lã và con gà. Nhiều nhà may lớn cúng cả đầu heo, heo quay,… Đặc biệt, lễ vật cúng Tổ nghề may không có đồ vàng mã như những ngày kỵ cơm khác. Khi chuẩn bị lễ vật xong, lên hương đèn, chủ nhà may hay người thợ chính ăn mặc chỉnh tề (áo dài hay âu phục) làm chủ bái, khấn vái với nội dung cảm tạ công ơn của vị Tổ nghề khai sáng ra nghề may mặc và những bậc tiền hiền đã góp phần nâng cao, cải tiến nghề nghiệp của mình để có đời sống sung túc và cầu mong nghề nghiệp ngày càng thuận lợi, phát đạt. Lễ cúng xong, thợ thầy cùng vui hưởng, chuyện trò, trao đổi công việc.
 


 
   Nghề may ở Hội An hiện nay là một trong những nghề mũi nhọn trong nền kinh tế du lịch của Thành Phố. Hiện có 320 hộ với trên 800 lao động tham gia may mặc, địa bàn tập trung là Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Tân An. Dịch vụ may nhanh ở Hội An được mở rộng, đáp ứng kịp thời cho khách du lịch. Khách hàng có thể đặt may qua mạng, chỉ cần biết thông tin về số đo, loại vải, loại áo quần cần may,… tới hẹn đến lấy hoặc chuyển qua bưu điện hoặc thông qua ủy thác. Một số hiệu may ở Hội An từng vinh dự được may trang phục cho hoàng hậu Tây Ban Nha, các vị nghị sĩ của nhiều quốc gia đến từ các nơi trên thế giới. May trang phục cho các hội thi thời trang diễn ra tại phố cổ,... Ngày nay, đời sống của thợ may không những ổn định mà nhiều người giàu lên cũng nhờ nghề này. Vì thế, việc giỗ Tổ cũng được chú trọng hơn. Lễ vật dâng Tổ nghề được chuẩn bị thịnh soạn. Ngoài việc cúng tại nhà, từ năm 2006 đến nay, bà con còn tập trung lại cúng chung dưới sự tổ chức của nhà nước. Nghi thức cúng có chánh bái, tả hữu phân hiến, có đội gia lễ, đội bát âm. Đây là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của một bộ phận  thợ may thể hiện lòng biết ơn Tổ tiên cũng là dịp để tuyên truyền quảng bá những giá trị văn hóa của lễ giỗ Tổ trong sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, trong ngày hội này tổ chức trình nghề thông qua những hiệp thợ khéo tay do các nhà may đưa đến thi cắt may tại chỗ. Đây là hoạt động góp thêm phần náo nhiệt của ngày giỗ Tổ, đồng thời, qua việc tổ chức trình nghề làm cho các hiệu may nỗ lực nâng cao tay nghề, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau góp phần tạo ra những sản phẩm đẹp, đảm bảo chất lượng theo thị hiếu của nhân dân và khách du lịch bốn phương.
Tóm lại, việc giỗ Tổ các ngành nghề nói chung và nghề may nói riêng là điều cần thiết trên hành trình “về nguồn” để chúng ta cùng tự hào, hãnh diện về những tên tuổi làm rạng rỡ nghề nghiệp. Ngoài ra, còn là bài học giáo dục cho thế hệ trẻ phải biết ơn những người đi trước đã sáng lập, xây dựng nghề nghiệp, từ đó bản thân phải trao dồi kinh nghiệm để trở thành những người thợ giỏi như ông cha ta đã dạy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây