Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Di tích mộ táng Xuân Lâm

Ngày 23/2/1995, tại Xuân Lâm, Ban Quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) dựa vào thông tin của nhân dân, đã khảo sát tìm thấy 2 mảnh gốm vỡ khá lớn của chum mang đặc trưng chum mộ Văn hóa Sa Huỳnh muộn (ký hiệu XL.23.2.1995).
          Để làm rõ hơn địa bàn phân bố Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An, tính chất và vị trí của địa điểm Xuân Lâm, từ ngày 2 đến ngày 5/3/1995, Ban Quản lý Di tích Hội An đã tiến hành khai quật địa điểm này.

         Hố đào được triển khai trên ngõ Thái Phiên thuộc đường Thái Phiên, trước cửa nhà ông Phùng Phương, khối Xuân Lâm (tên cũ là Xứ Hổ Bì, tên dân gian: Xóm Rừng), phường Cẩm Phô. Cách hố đào về phía Tây là dòng chảy cổ (hiện còn dấu vết là con hói), một đầu nối với khe Ồ Ồ bao quanh di chỉ Hậu Xá I, một đầu chảy ra Chùa Cầu và từ đó ra sông Hội An.

          Hố khai quật có tổng diện tích 13,5m2, theo hướng Bắc Nam.


I. ĐỊA TẦNG:
          1. Lớp đất lấp (qui định gọi là hố Rác): Đất cát tơi lẫn nhiều mùn rác, màu sẫm. Dày từ 00 - 80cm, 00-140cm. Mỏng nhất là góc Tây Nam, và dày nhất là góc Đông Nam.

          Trong lớp đất dày này, lẫn với rác rưởi hiện đại là một số mảnh gốm Sa Huỳnh, hạt chuỗi, cườm thủy tinh, đá.        
          2. Lớp cát màu vàng nâu (độ sâu không đều), ở phía Bắc hố nơi có hiện vật, cát màu vàng nâu sẫm, phía Nam hố cát có màu sáng hơn. Lớp cát này cũng có độ dày không đều trên bình diện hố, do bị lớp đất đen phía trên ăn sâu xuống, dày nhất khoảng 60cm (70 - 136cm).

          Đây là lớp đất chứa mộ chum, chum và các đồ tùy táng khác nằm gọn trong nửa phía Bắc hố (xem bình diện hố khai quật).

          3. Lớp cát màu trắng đục: Tại hố đào kiểm tra sâu từ 130 - 200cm:
           - 136 - 176cm lớp cát mịn màu trắng đục.

           - 176cm trở xuống lớp cát màu đỏ rỉ sắt, hiện tượng cát bị ôxýt sắt hóa nặng.
 

II. HIỆN VẬT:
          Hiện trạng mặt bằng hố khai quật cho phép xác định ít nhất vị trí 3 chum (ký hiệu C I, C II, C III). Ngoài ra còn có ít nhất 3 chum nữa (dựa vào các mảnh còn lại nằm trong hố khai quật).

          Chum C I: Khó xác định được vị trí và độ sâu hạ chum ban đầu, điểm cao nhất của chum (tính từ mép miệng) 93,5cm.

          Chum C II: Bị phá phần trên, phần đáy còn nguyên và do vậy có thể xác định một cách tương đối cách phân bố của đồ tùy táng. Điểm sâu nhất (đáy chum C II) 116cm. Đây là chum còn nhiều đồ tùy táng nhất.

          Chum C III: Đã bị phá hoàn toàn, mảnh chum, mảnh đồ tùy táng phân bố lộn xộn và lẫn nhiều hiện vật hiện đại.
          - Chum: Có 2 kiểu dáng:

          + Chum hình trụ: đáy thuôn tròn, thành miệng bẻ loe xiên. Trên thành miệng có lỗ. Vành miệng của cá thể chum còn phục nguyên được thấy có 4 cặp lỗ, mỗi lỗ cách nhau 5cm. Thân trang trí văn thừng sâu, dọc. Căn cứ trên những mảnh còn lại, có thể có từ 3 - 4 chum loại này với các kích cỡ từ vừa đến nhỏ.

          + Chum hình cầu: Thân trang trí văn chải trên nền thừng, còn ít nhất 2 mảnh miệng của loại chum này với đường kính 47,5cm và 49,5cm.

           Ngoài ra, còn nhiều mảnh miệng và vành miệng, thân, đáy của một vài cá thể khác.

          -Nắp chum: Chủ yếu là các mảnh vỡ của loại nắp hình nón cụt. Có ít nhất 4 - 5 nắp loại này. Trên một vài nắp còn trang trí bằng những khắc vạch tạo hình tam giác đỉnh ngược chiều nhau, tô thổ hoàng thành băng. Còn lại không trang trí, song phía trong nắp thường được miết láng và tô ánh chì khá dày.

          Còn 3 nắp có thể đo được đường kính miệng, chiếc lớn đường kính 40cm, chiếc nhỏ đường kính 25cm, chiếc nắp phục nguyên đường kính 28cm.

          -Nồi:
          + Nồi miệng loe xiên, vành miệng phẳng, mép miệng vuốt tròn, đáy tròn bằng, thân hình cầu, thường được trang trí văn thừng. Trên nồi thường thấy dấu muội bám.

         + Nồi minh khí miệng loe cong, thành miệng nhẵn, trên một vài cá thể, giữa vai và thân tạo một đường gờ nhẹ. Thân trang trí văn thừng dập cẩu thả.

          - Bát:
          Nhìn chung bát có đường kính miệng từ 24 - 19cm, thành cao, đáy khá nhỏ so với miệng, miệng có 2 loại hơi khum và khum.

          - Đĩa:
          Hình dáng giống như nắp chum hình lồng bàn thu nhỏ. Đường kính của 1 cái phục nguyên được là 11cm.

          Ngoài ra còn một số mảnh miệng và vành miệng có thể thuộc đĩa này.

          - Dọi xe chỉ:
          Một dọi xe chỉ gốm mịn, độ nung khá cao, hình nón cụt úp nhau.

          2. Đồ sắt:
          Trong chum II tìm thấy 3 hiện vật sắt:
          - Thuổng sắt: Họng tra cán hình tròn, trên bề mặt còn dính vài mẩu gỗ vụn. Kích thước còn lại: dài 15cm, đường kính họng 4,2cm.

          - Rựa sắt (chính xác hơn dao quắm sắt): Có chuôi tra, đã bị rỉ nặng. Kích thước còn lại dài 38cm, dài chuôi cán 5,5cm.

          - Dao sắt: Loại dao dài bản, mỏng, 1 lưỡi, có vòng tròn ở chuôi, đầu lưỡi dao hơi nhọn. Đã bị gãy làm 3 mảnh.

          Trên dao còn vết tích gỗ vụn, có lẽ là bao. Kích thước còn lại: dài 22cm, rộng bản 1,4cm.
          3. Đồ trang sức bằng đá, thủy tinh:
          Nhiều hạt chuỗi, hạt cườm mã não, thủy tinh.
         - Hạt chuỗi: Bằng mã não màu đỏ hay trắng mờ có vân trắng đục. Hình thoi cắt cụt 2 đầu hoặc hình tròn, tròn dẹt, hình ống cụt.

          - Hạt cườm thủy tinh: Thường có màu vàng, xanh lá cây, xanh nõn chuối, kích thước hạt không đều từ 0,18 - 0,25cm.

          - Khuyên tai hình vành khăn: 1 đôi, 1 chiếc khá nguyên vẹn, 1 chiếc còn 1/3, bằng thủy tinh màu xanh nõn chuối nhạt, còn nhiều vết bọt thủy tinh. Chíêc còn nguyên có kích thước 2,4 x 1,45 x 0,35cm.

           Ngoài ra còn có một số mẩu vụn nhựa cây và than.
 
          1. Đồ gốm:


          Nhận xét

          * Địa điểm Xuân Lâm nhìn chung về phân bố, đặc trưng hiện vật... không có gì khác biệt so với cụm mộ chum đã khai quật ở Hội An từ trước tới nay.

          * Việc tìm thấy di tích mộ chum Sa Huỳnh ở Xuân Lâm một lần nữa cho thấy sự phân bố dày đặc của những di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở trong vùng này.
 
          * Hiện vật dao có chuôi hình vành khăn nói lên mối giao lưu Sa Huỳnh - Hán rất rõ ràng. Con dao tìm thấy ở Xuân Lâm giống hệt con dao sắt tìm thấy ở mộ Nam Việt Vương (Tây Hán). Có thể đây là sự truyền bá kỹ thuật, thông qua các hiện vật cụ thể.

         * Địa điểm Xuân Lâm với tên cổ Hổ Bì xứ hay Xóm Rừng cùng với bộ công cụ sắt cho thấy rõ dấu ấn của môi sinh rừng cây ven sông, cận biển trong lối sống của chủ nhân các di tích mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh ở vùng đất Hội An.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây