Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Di tích mộ táng An Bang

Di tích khảo cổ học An Bang đã được điền dã, đào thám sát, đánh dấu trên bản đồ khảo cổ học Hội An, Quảng Nam, miền Trung Việt Nam (là khu di tích mộ chum văn hóa Sa Huỳnh) từ tháng 7/1989.
          Di tích nằm trên một nổng cát, sát bờ Tây của một dòng chảy cổ. Dòng chảy này theo hướng Tây - Bắc, Đông - Nam thông ra sông chính (sông Hội An) nay còn dấu vết và chỉ có nước chảy vào mùa mưa. Di tích cách bờ Bắc của hạ lưu sông Thu Bồn (sông Hội An) chừng 300m về phía Bắc. Toàn bộ dải nổng cát ở đây là nghĩa địa vốn đã có từ lâu đời. Địa điểm này, nay thuộc khối An Bang, phường Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam.
 

 
          Trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học văn hóa mộ chum Sa Huỳnh ở Hội An, nhằm làm sáng tỏ về di tích khảo cổ học này, từ ngày 27/4 đến 17/5/1995, Ban Quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An) phối hợp cùng với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, bộ môn Khảo cổ học trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cử nhân khảo cổ học Nishimura Masanari (Nhật Bản) với sự tham gia cố vấn của G.S Trần Quốc Vượng và G.S EiJi Nitta (Nhật Bản), đã tiến hành khai quật khảo cổ học tại đây.

          Hố khai quật đã được triển khai với tổng diện tích 26m2, nằm trong tọa độ 15052’57” vĩ Bắc, 108018’30”Kinh Đông, cách hố đào thám sát năm 1989 về hướng Tây - Bắc 4km. Bề mặt của hố đào là một gò cát cao, được vun đắp lên như một nấm mộ lớn từ lâu đời. Quá trình khai quật được triển khai thành hai giai đoạn, mỗi giai đoạn được áp dụng phương pháp, kỹ thuật đào khác nhau.

          Ở giai đoạn đầu: Từ độ sâu 00cm - 100cm, được triển khai đào theo phương pháp “Bình diện”, từ trên xuống mỗi lớp 20cm, và phân theo ô (mỗi ô 1m2). Ở độ sâu này đất có màu nâu - đen và có rất nhiều vệt đen sẫm (từng dải hoặc từng vòng tròn) lẫn nhiều mẩu than nát vụn li ti.

          Hiện vật:
          - Gốm có màu nâu - đỏ, xám trắng, xương mịn, là mảnh của hiện vật nồi, bát, hũ chậu...

          - Gốm có màu xám - vàng, xám - trắng, xương gốm thô, lẫn nhiều bả thực vật, màu đen, trắng đục, là mảnh của hiện vật nồi, bát bồng, chum (thân miệng nắp, vai).

          - Khá nhiều hạt chuỗi, khuyên tai bằng đá, thủy tinh màu xanh, đỏ, nâu, vàng, tím, trắng...

          - Một số mảnh gốm thô tráng men

          - Nhiều mẩu sắt, gạch vụn

          Qua xử lý bước đầu cho biết: Đây là những hiện vật gốm Sa Huỳnh, gốm Chăm, gạch Chăm, gốm Đường và những hiện vật thường bắt gặp trong mộ chum Sa Huỳnh ở địa bàn Hội An. Khung niên đại của hiện vật trong độ sâu này từ thế kỷ X trở về trước (trừ lớp mặt 00 - 10cm).

          Ở giai đoạn sau: (từ 100cm trở xuống): Khi những vành miệng chum xuất hiện trên bình diện, có đầy đủ cơ sở khẳng định đây là khu mộ chum Sa Huỳnh. Từ đây đào theo phương pháp “bình diện” kết hợp với “trắc diện”. Với phương pháp này, đã đạt được kết quả như sau:

          - Xử lý 16 chum (trong đó phục hồi đựng lại được 12 chum).

          - Xác định được biên mộ và mối quan hệ trước, sau giữa 16 mộ với nhau.

          - Khảo sát ghi nhận được một số táng tục, táng thức của cư dân Sa Huỳnh.

          - Xử lý đưa lên được nhiều hiện vật tùy táng còn khá nguyên vẹn.
 


 
           NHỮNG THÔNG TIN KHOA HỌC ĐÁNG GHI NHẬN QUA MỘT SỐ HỐ KHAI QUẬT NÀY
 
         1. Mỗi chum đều có biên mộ, có trường hợp 2 chum trong một biên mộ, 2 chum đó có trường hợp cùng một kiểu dáng, cũng có trường hợp là 2 kiểu dáng khác nhau.

          2. Biên mộ về bình diện có hình ô van (hột xoài). Về trắc diện, do nhiều chum được chôn thành 1 cụm, gần nhau, để tránh tình trạng chum được chôn sau phá chum được chôn trước, có lẽ cư dân cổ đã đào theo cách: hướng sát chum chôn trước được đào tương đối thẳng đứng, hướng ngược lại được đào thoải dần lên mặt đất (có thể là để lấy đường xuống chôn chum sau, khỏi sập đất cát), do đó trắc diện biên mộ cơ bản có hình tam giác vuông nghiêng so với mặt đất.

          3. Đất cát trong biên mộ có 2 trường hợp:
          - Trường hợp 1: Toàn bộ cát màu trắng, mịn từ 2 phần chum trở xuống đáy.

         - Trường hợp 2: Đất cát vốn là đất tự nhiên tại chỗ, do đào lên chôn chum, sau đó lấp xuống nên để lại dấu vết biên những đặc biệt trong biên mộ này có từ 1 - 3 lỗ cát trắng (lỗ có đường kính 30 - 40 cm). Loại cát trắng ở đây, theo chúng tôi, được lấy từ chỗ khác đến và hiện nay, người dân Hội An vẫn sử dụng cát trắng dùng để liệm, đổ vào trong quan tài cho người quá cố.

          4. Có trường hợp dưới đáy biên mộ, trước khi đặt chum xuống cư dân thời kỳ này trải 1 lớp đá màu vàng - nâu sẫm (gọi là Natơrit hóa) dày khoảng 20 - 40cm để lót, kê đáy chum.

          5. Một số chum xung quanh có nhiều tro, than, đặc biệt ở chum có ký hiệu AB - AH2/C16 có vỉa tro, than lớn 20 - 30cm bó xung quanh miệng chum, sâu xuống 40 - 50cm (than cục to, chứng tỏ được đốt ngay tại đáy, từ 1 cây gỗ to, chưa rõ gỗ cây gì ?)

          6. Ở đây có 2 hiện vật lạ: 1 hạt chuỗi bằng kim loại màu vàng, có lỗ xuyên ở giữa đường kính 0,03cm (có thể là vàng?) và một bằng đồng, nhỏ, đường kính 1cm, có thể là lục lạc ?
 
 

 
           NHẬN XÉT - KẾT LUẬN
           - Đây là một khu di tích mộ táng của cư dân Sa Huỳnh nằm về bờ Tây của một dòng chảy cổ.

          - Khu mộ này, đã bị đào, phá từ sau thời Sa Huỳnh ít nhất 1/3 mặt bằng chum. Đặc biệt là trong lớp bị phá, xáo trộn này, hiện vật có niên đại muộn nhất không vượt quá thế kỷ X.

          - Thông qua cách đào biên mộ, sử dụng cát trắng trong biên mộ, hoặc chôn thành từng cụm, các chum gần sát nhau, biên mộ sau sát biên mộ trước và khoảng cách giữa 2 chum trước sau (có trường hợp chỉ cách nhau 10 - 20cm) của cư dân thời kỳ này, chứng tỏ khu mộ được chôn cất có ý thức.

          - Có hiện tượng đốt lửa bằng cây gỗ xung quanh chum trong quá trình chôn cất.

          - Hiện vật tùy táng có đồ minh khí, nhưng cũng có khá nhiều đồ được sử dụng và chôn cả ở trong và ngoài chum.

          - Qua việc xác định mối quan hệ, thứ tự trước sau, giữa các chum cho thấy: các chum không cùng thời điểm, về kiểu dáng chum không theo trật tự phát triển trước sau. Đặc biệt, ở các chum xuất hiện 1 số dấu hiệu liên quan đến kỹ thuật tạo dáng và kỹ thuật nung (vấn đề này sẽ được trình bày kỹ ở các báo cáo chi tiết).

          - Về cơ bản, từ chất liệu, kiểu dáng chum và các hiện vật chôn theo, đến táng tục, táng thức của cư dân Sa Huỳnh, di tích này có nhiều điểm tương đồng với di tích Hậu Xá.

          - Một số mẫu vật ở đây đã được phóng xạ các-bon có niên đại C14 là 2260+90 BP.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây