Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Văn hóa dân gian là văn hóa gốc

Lặng lẽ thu gom những “dòng chảy” vô tận của các giá trị đang phai nhòa dần trong đời sống đương đại, để tích góp lại thành những dòng văn. Hơn 20 năm ròng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Văn An chuyên chú với công việc, đam mê của mình, ngõ hầu sẽ làm thức dậy những vốn liếng quý báu của xứ sở này...
Images1572050 TNB 12
Ông Trần Văn An trao đổi về tác phẩm “Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An”. Ảnh: XUÂN HIỀN

Những nỗ lực của một nhà nghiên cứu chuyên tâm đã có quả ngọt khi mới đây, anh được trao giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ III với công trình khảo cứu “Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An”. Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông.

Tương tác và thích nghi với biển đảo

* Đầu tiên xin chúc mừng ông đã có tác phẩm đạt giải cao nhất của Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ III (2014 – 2019). Ông có thể chia sẻ sơ lược về nội dung của tác phẩm khảo cứu, nghiên cứu dân gian “Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An” vừa được nhận giải A này?

Ông Trần Văn An: Đây là một công trình khảo cứu chuyên ngành Văn hóa dân gian về biển đảo ở Hội An. Công trình này dày 430 trang, bao gồm Tri thức dân gian về biển đảo; Biển đảo trong văn nghệ dân gian Hội An; Biển đảo trong sinh hoạt kinh tế, ngành nghề truyền thống; Các hình thức tín ngưỡng dân gian về biển đảo. Đây là công trình do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam hỗ trợ, tiến hành năm 2016. Có thể nói, đây là tác phẩm khá tâm huyết của tôi trong nhiều năm điền dã, sẽ ít nhiều cung cấp cho bạn đọc những cái nhìn cụ thể về mối liên kết giữa biển đảo từ quá khứ, hiện tại và thậm chí cả tương lai.
 

Images1572052 IMG 56
Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam biểu diễn hô hát bài chòi phục vụ khán giả Tp. Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

* Mối duyên nào khiến ông nghĩ đến câu chuyện biển đảo trong bề dày quá khứ của đô thị cổ Hội An, từ chiều kích của văn hóa, văn nghệ dân gian?

Ông Trần Văn An:  Đó là gợi ý của Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - GS-TS. Khoa học Tô Ngọc Thanh. Ông tâm tình với tôi: “Vùng biển Hội An rất đặc biệt, ông tập trung nghiên cứu và có một đề tài về biển đảo Hội An”. Bản thân tôi cũng có những suy nghĩ có hay không một nền văn hóa biển của người Việt.

Riêng với biển đảo Quảng Nam, trước đây khi chưa chia tách tỉnh vào năm 1997 và xa hơn nữa là khi còn là xứ Quảng Nam thì đường bờ biển của Quảng Nam có thể nói là dài nhất nước và vùng đảo cũng rộng hơn, xa hơn rất nhiều. Sống dựa vào biển đảo, thích ứng tối đa với môi trường biển đảo để sinh tồn, phát triển là một truyền thống lâu đời của cộng đồng cư dân biển đảo Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Truyền thống này được thể hiện, thực hành đa dạng ở nhiều khía cạnh trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân và tích lũy nên những giá trị văn hóa to lớn trên cả hai phương diện vật thể và phi vật thể.

Với một vùng đất như Hội An, vùng biển đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong mạng lưới biển đảo nước ta cũng như ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Không tách khỏi truyền thống của cộng đồng cư dân biển đảo xứ Quảng, kho tri thức dân gian về biển đảo của Hội An vô cùng phong phú. Bạn có nghe: “mắm cơm, mắm nục, mắm kình/ Có muối có mắm có mình có ta”… Kho tàng tri thức dân gian về biển đảo xứ Quảng hết sức đồ sộ, bao quát ở nhiều lĩnh vực, từ cái đơn giản như chuyện con cá làm mắm cho đến tri thức nghề nghiệp gắn với biển đảo…
 

Images1572053 TNB 12
Lễ cầu ngư biển Tam Thanh - một trong những loại hình văn hóa phi vật thể gắn với biển đảo. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

* Vậy theo ông, văn hóa biển đảo của Hội An nói riêng và văn hóa biển Quảng Nam nói chung được định vị như thế nào?

Ông Trần Văn An: Ở đâu thì không rõ chứ ở Quảng Nam, Hội An thì biển đảo có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế và định vị bản sắc văn hóa. Trong quá khứ cũng vậy và hiện nay cũng vậy. Có thể nói thời kỳ nào mà chính quyền và cộng đồng dân cư biết dựa vào biển, biết quản lý và khai thác hợp lý các thế mạnh của biển đảo thì thời kỳ ấy kinh tế phát triển ngoạn mục và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ và ngược lại, một khi không mặn mà với biển đảo thì kinh tế và văn hóa có sự chững lại.

Trên phương diện văn hóa vật thể, quá trình tổ chức cuộc sống dựa vào môi trường địa – sinh thái biển đảo đã hình thành nên các cộng đồng dân cư làng vạn chuyên nghề đánh bắt, khai thác, nuôi trồng hải sản. Rồi gắn với làng vạn là các vạn nghề chuyên về buôn bán, dịch vụ đường biển hoặc dựa vào biển, trong đó có những vạn ghe bầu từng nổi tiếng một thời như vạn Bàn Thạch, vạn Cẩm Phô, vạn Thanh Châu, vạn Tam Kỳ, vạn An Hòa…

Ở phương diện văn hóa phi vật thể, yếu tố biển đảo để lại dấu ấn khá rõ nét ở các hình thái, loại hình văn hóa từ tiếng nói chữ viết cho đến phong tục tập quán, lễ hội, diễn xướng, ngữ văn, tri thức dân gian…

Dấu ấn của biển đảo thể hiện rất rõ nét trong các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian ở Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng và là cơ sở quan trọng để khẳng định truyền thống tương tác và thích nghi mạnh mẽ với biển đảo của người Việt.

Văn hóa dân gian là văn hóa gốc

* Là người bản địa Hội An, cũng là nhà nghiên cứu gắn bó sâu sắc với đời sống văn hóa văn nghệ Hội An, theo ông, các giá trị truyền thống của văn hóa dân gian có thể “sống tốt” ở thời hiện đại?

Ông Trần Văn An: Truyền thống là di sản của quá khứ nhưng nó phải được kế thừa và phát huy trong cuộc sống đương đại. Cần phải làm sống lại truyền thống và như vậy truyền thống mới thực sự có giá trị. Và có thể thấy hiện nay, văn hóa dân gian đang sống một cách mạnh mẽ cùng đời sống hiện tại. Nó không phải là cũ, là quá khứ hay đứng yên một chỗ. Văn hóa dân gian như một dòng chảy vậy. Càng được nâng niu, gìn giữ, càng bật lên những giá trị sâu sắc… Những giá trị cần được “thấu hiểu - bảo tồn - phổ biến - diễn xướng”. Trong quá trình này, văn hóa dân gian sẽ chịu theo quy luật đào thải của tự nhiên, tức là những gì là hồn cốt, là tốt đẹp sẽ được giữ lại, còn những gì chưa đẹp sẽ tự bị mất đi.

* Vậy theo ông, chúng ta nên tiếp nhận văn hóa dân gian theo hướng nào để phát huy hiệu quả giá trị của nó? Ông có thể hiến kế để làm cách nào chúng ta khai thác tốt được chất liệu văn hóa văn nghệ dân gian đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện tại, như Hàn Quốc hay Nhật Bản đang rất thành công?

Ông Trần Văn An: Văn hóa dân gian là văn hóa gốc để tạo nên bản sắc văn hóa của từng vùng miền, từng quốc gia. Để phát huy được văn hóa dân gian trước hết cần phải nhận diện được các giá trị của nó, cần có sự trân trọng, yêu quý di sản của các thế hệ cha ông đã bồi đắp lên và truyền lại. Thứ nữa là phải có các hình thức để giới thiệu, quảng bá các giá trị và truyền sự trân trọng, yêu quý di sản văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ. Về cách làm thì có nhiều cách, trong đó có thể kể như đưa dân ca vào giảng dạy trong nhà trường; tổ chức dạy dân ca và hội thi; sử dụng công nghệ thông tin để giới thiệu các trò chơi dân gian; giới thiệu về ca dao, tục ngữ, lễ hội; tôn vinh và đãi ngộ các nghệ nhân dân gian; xây dựng các sản phẩm văn hóa dân gian của các địa phương và quốc gia...

* Việc thu hút giới trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống như đi xem chèo, tuồng, bài chòi… cũng như cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn hóa dân gian, liệu chúng ta nên làm gì?

Ông Trần Văn An: Để cho thế hệ trẻ hiểu và thích, trân trọng chèo, hát bội, bài chòi là trách nhiệm của các thế hệ đi trước, nhất là các nhà quản lý - hoạch định chính sách và các nhà chuyên môn. Trước hết là phải cho thế hệ trẻ/giới trẻ nhận thức được giá trị của các loại diễn xướng này bằng nhiều con đường, nhiều cách thức thông qua truyền thông, giáo dục, tuyên truyền giới thiệu. Đồng thời trên cơ sở truyền thống cần có những đổi mới phù hợp để thu hút sự quan tâm của giới trẻ, ví dụ rút ngắn thời gian trình diễn bằng cách xây dựng nội dung mới, lồng ghép kỹ thuật hiện đại về âm thanh, ánh sáng…

Xin cảm ơn ông!

01/12/2019 10:24 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: LÊ QUÂN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây