Tết Trung thu - di sản của người Hội An
- Thứ tư - 01/03/2023 03:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tín ngưỡng đặc biệt
Đại diện Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An cho biết, Tết Trung thu là một dịp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc biệt trong năm của người dân Hội An. Bởi từ chính tín ngưỡng này đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa cũng như tri thức dân gian riêng có tại Hội An.
Trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa cũng như sự giao lưu văn hóa của Trung Hoa - Nhật Bản..., Tết Trung thu trở thành một lễ tiết lớn trong năm ở Hội An. Sinh hoạt văn hóa này gắn với nhu cầu tín ngưỡng trừ tà, cầu may trong buôn bán, thưởng ngoạn trông trăng.
“Tết Trung thu có sự đan xen kế thừa giữa giá trị truyền thống và hiện đại trong cả phần nghi thức tâm linh, các nghề thủ công truyền thống lẫn các nghệ thuật trình diễn dân gian sôi động và tri thức dân gian mang bản sắc Hội An, là kết quả của cả quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa sâu rộng với nhiều quốc gia từ trong lịch sử và còn truyền thừa tới tận ngày nay” - theo lý lịch hồ sơ di sản do Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An xây dựng.
Lễ hội Trung thu ở Hội An còn được xem là môi trường bảo lưu những nét đẹp truyền thống trong thực hành văn hóa. Từ các nghề thủ công làm đầu thiên cẩu, lân, sư, rồng, làm đèn lồng cho đến các tri thức dân gian gắn với ẩm thực truyền thống như làm bánh trung thu, bày cỗ Tết Trung thu… đều góp phần để lễ hội này ở Hội An mang giá trị đặc biệt. Cùng với việc hình thành nên các lớp nghệ nhân, Tết Trung thu còn mang ý nghĩa hoạt động cố kết cộng đồng và trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc của phố thị này.
Trong dịp Tết Trung thu, hoạt động dài ngày nhất, sôi động, thu hút người tham gia và người xem nhiều nhất là múa thiên cẩu, sau này còn có thêm múa lân, sư, rồng. Các bài múa thiên cẩu từ xa xưa và múa lân, sư, rồng ngày nay đều thể hiện những ước vọng tâm linh của dân gian về sự tẩy trần, chúc phúc, tiêu trừ bệnh tật, đuổi tà, cầu mưa thuận gió hòa của người dân Hội An.
Theo thống kê, hiện nay ở Hội An có ít nhất 32 đội thiên cẩu, lân sư rồng hoạt động trong dịp Tết Trung thu. Mỗi đoàn múa thường có ít nhất từ 15 người đến 50 người. Các đội múa phân bố ở khắp các xã phường của Hội An, trong đó tập trung ở các phường nội thị Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô. Bên cạnh đó còn có các đội múa thiếu nhi từ 8 – 15 tuổi. Từ những đội múa đó đã hình thành nên nhiều lớp nghệ nhân chế tác đầu linh vật và biểu diễn múa thiên cẩu, lân, sư tử, rồng...
Bảo lưu các tri thức dân gian
Nghề thủ công được xem là lĩnh vực phát triển khá mạnh ở Hội An. Trong số này, các nghề gắn với dịp Tết Trung thu khá đa dạng. Đầu tiên phải kể đến nghề làm đèn lồng. Tục treo đèn lồng trang trí của mỗi ngôi nhà trong khu phố cổ vào dịp Tết Trung thu xuất phát từ lâu đời.
Cùng với nhu cầu ngày mỗi nhiều của cư dân phố cổ và làm quà cho du khách phương xa, dần dần từ các cách chế tạo lồng đèn tương đối đơn giản trong dân gian, ngày nay, Hội An có rất nhiều cơ sở thiết kế, chế tác đèn lồng chuyên nghiệp.
Từ các mẫu đèn đơn giản như hình cầu, hình bánh ú, ngôi sao, cá chép, trái bí… chất liệu chủ yếu là giấy, tre, hồ, thì nay rất phong phú các kiểu dáng và chất liệu, kiểu thức trang trí cũng đa dạng, bắt mắt, tạo nên thương hiệu đèn lồng Hội An nổi tiếng trong nước và trên thế giới.
Đặc trưng tiếp theo làm nên giá trị văn hóa riêng biệt của Tết Trung thu ở Hội An là các loại bánh trung thu do người Hội An kế thừa và tái tạo qua các đợt giao lưu, tiếp biến văn hóa để sáng tạo thành những sản phẩm mang bản sắc của Hội An.
Theo Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An, bánh trung thu là vật phẩm đặc trưng và khá phổ biến trong mâm lễ cúng rằm Trung thu ở Hội An. Hương vị bánh trung thu truyền thống tại Hội An cho đến nay vẫn được các tiệm bánh gìn giữ. Các lò bánh trung thu truyền thống phân bố chủ yếu trong khu vực phố cổ, phần nhiều là của những người gốc Hoa, quy mô gia đình hoặc thuê thợ làm.
Bên cạnh đó, trong 20 năm trở lại đây, Hội An có những người chuyên làm đầu thiên cẩu, đầu lân, sư tử, rồng, lồng đèn loại lớn để phục vụ cho các đội múa. Theo thống kê từ ngành văn hóa địa phương, hiện có ít nhất 11 nghệ nhân làm các sản phẩm này mang tính chất là sản phẩm hàng hóa theo đơn đặt hàng.
Nghề chế tác đầu linh vật được gìn giữ, sáng tạo không ngừng qua các lớp nghệ nhân giàu tâm huyết. Hiện nay, nhiều gia đình nghệ nhân đã có thế hệ thứ 3, thứ 4 theo nghề làm đầu linh vật...
Không chỉ vậy, các cơ sở này còn thu hút rất đông người trẻ tuổi tại Hội An và các vùng lân cận đến học việc và làm nghề. Tại cơ sở chế tác của nghệ nhân Nguyễn Hưng (Cẩm Hà), trước dịch COVID-19 thường có từ 20 – 30 người làm việc vào mỗi mùa Trung thu...
Là một hoạt động văn hóa dân gian bao chứa rất nhiều giá trị, tri thức, Tết Trung thu ở Hội An xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Danh hiệu này tạo điều kiện tôn vinh các giá trị đặc biệt của di sản, đồng thời để địa phương có cơ sở tập trung đầu tư, đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản trong thời gian tới...