Người khai khoa cho vùng đất Hội An
- Chủ nhật - 04/06/2023 23:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Làng Thanh Hà
Lành Thanh Hà xưa nay thuộc địa phận xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà (Hội An). Về tên làng, theo tác giả Võ Văn Hòe trong Địa danh Quảng Nam (quyển IV, NXB Hội Nhà văn, năm 2021, trang 374), Thanh (清) nghĩa là trong (không vẩn đục), Hà (葭) là cỏ lau.
Làng được hình thành khá sớm. Những mảnh gốm sứ có nguồn gốc Thanh Hà được tìm thấy ở di tích Bàu Đá (Cẩm Thanh) hay ở đình làng Sơn Phô (Cẩm Phô) có niên đại thế kỷ 16 - 17 đã minh chứng cho điều đó.
Tuy nhiên tên làng không tìm thấy trong Ô châu cận lục của Dương Văn An (1553) hay Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776). Phải đợi đến Địa bạ Gia Long (1812 - 1818) địa danh này mới được xác định cụ thể. Đây là một trong 19 làng xã của tổng Phú Chiêm Hạ, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn.
Xã có tứ cận: đông giáp xã phụ lũy Cẩm Phố, xã Tân An, xã Am Mỹ, phường Xuân Mỹ (tổng An Nhi Trung), châu Kim Bồng (thuộc Hoa Châu, huyện Duy Xuyên), xã Hòa An; tây giáp xã Phú Chiêm (tổng An Nhơn trung), xã Lai Nghi, xã An Lưu; nam giáp xã An Mỹ, xã Tân An và sông; bắc giáp xã Tân An, xã Hòa An.
Như vậy, ngày trước làng Thanh Hà rất rộng, nằm trải dài từ bờ bắc sông Thu Bồn dọc theo sông Đế Võng và ra đến tận biển, diện tích 2.295 mẫu, 9 sào, 14 thước 9 tấc.
Sang thời Đồng Khánh (1885 - 1888), sách Đồng Khánh địa dư chí cho biết Thanh Hà vẫn là xã thuộc tổng Phú Triêm Hạ.
Theo Quảng Nam xã chí vào thời điểm 1943, xã Thanh Hà có diện tích hơn 700 mẫu, dân số độ 500 người. Thổ sản của làng đặc biệt nhất là rau sống, lúa khoai, sắn. Rau sống được xuất bán đi các nơi khác còn các loại hoa màu thì không đủ cho nhu cầu của dân làng. Làng cũng có một xóm nằm sát biển gọi là xóm Cồn Động chuyên nghề đánh cá nhưng còn rất sơ sài.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Thanh Hà nằm trong khu Hường Hiệu (gồm Lai Nghi, Thanh Hà, An Phong, Chương Phô). Đây là một trong 8 khu của vùng Hội An. Đến năm 1951, Thanh Hà lại nằm trong khu Tây, một trong 4 khu của Hội An (khu Bắc, Tây, Nam, Đông và khu Trung tâm).
Thời Việt Nam Cộng hòa lúc đầu làng Thanh Hà thuộc xã Cẩm Hà của khu hành chánh Cẩm Phô (lúc này Hội An gồm hai khu vực: Khu hành chánh Cẩm Phô và thị xã Hội An), sau đó là xã Cẩm Hà thuộc quận Hiếu Nhơn.
Sau năm 1975, làng Thanh Hà thuộc xã Cẩm Hà (thị xã Hội An). Năm 1999 xã Cẩm Hà được tách thành hai đơn vị hành chánh là xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà.
Thanh Hà nổi tiếng không chỉ là quê hương của danh nhân Nguyễn Duy Hiệu mà còn là làng nghề đồ gốm lâu đời. Bài vè xưa còn lưu lại:
Lửa chi lửa hực sáng lòa
Lò gốm lò gạch Thanh Hà ở đây
Đêm khuya phảng phất gió tây
Người thương thức dậy lời bày đón đưa…
“Khai khoa” Nguyễn Văn Điển
Nguyễn Văn Điển tự là Tam Lễ, thụy là Trang Lương, sinh năm 1791 tại ấp Trà Quế làng Thanh Hà. Tổ tiên ông thuộc dòng dõi nhà Nguyễn có gốc ở Tống Sơn, Thanh Hóa di cư vào lập nghiệp tại đây.
Nguyễn Văn Điển sinh ra trong một gia đình khá giả. Tổ tiên ông mấy đời giữ chức Miếu thừa. Thân phụ ông là Nguyễn Văn Yến từng theo phò Nguyễn Ánh và được Gia Long cử giữ chức Thư ký Bắc Thành.
Ông thi đỗ Hương tiến (cử nhân) khoa Kỷ Mão (1819) dưới thời Gia Long và là người đầu tiên đỗ đạt của vùng đất thuộc Hội An ngày nay. Khoa này Quảng Nam có 4 người thi đỗ và phần lớn được xem là “khai khoa” của các địa phương: Nguyễn Văn Điển (Hội An), Nguyễn Xuân Hải (Hòa Vang) Nguyễn Văn Thành (Duy Xuyên), Doãn Văn Xuân (Thăng Bình).
Nguyễn Văn Điển làm quan qua ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, trải qua nhiều chức vụ. Giai đoạn 1820 – 1829, ông giữ chức Hành tẩu Bộ Công, Tri huyện Từ Liêm, Tri phủ Quốc Oai, Tri phủ Thiệu Hóa, Lang trung Bộ Binh.
Năm 1829 Nguyễn Văn Điển được cử làm Tổng toản tu để biên soạn tôn phả nhà Nguyễn. Giai đoạn 1831 – 1852, ông được cử làm Thự Hiệp trấn Gia Định, Thự Hiệp trấn Phiên An (1832), Bố chánh Khánh Hòa (1834), rồi Lang trung Bộ Công (1838), Biện lý Bộ Công (1839), Tả Thị lang Bộ Công (1842), Hữu Tham tri kiêm Hiệp lý Thủy sư Bộ Công (1846). Năm 1850, ông được bổ làm Hộ lý Tổng đốc Định - Yên rồi Thự Tổng đốc Định - Yên (1851). Cũng năm 1850 ông được sung làm Khâm sai Đại thần đi thanh tra Hải Dương.
Tháng Chạp năm Tự Đức thứ 5 (1852), Nguyễn Văn Điển qua đời khi đương chức, thọ 61 tuổi. Sau khi ông mất, được truy thăng chức Thượng thư Bộ Binh.
Quốc sử quán triều Nguyễn đánh giá ông là người “toàn diện”, giỏi cả “chăn dân”, quy hoạch xây dựng đến cả ngoại giao. “Điển ở quan chăm chỉ, cẩn thận, có tiếng hay. Khi ở Bộ Công trông coi làm 2 lăng Hiếu Đông, Hiếu Vương, quy hoạch hợp pháp. Thiệu Trị năm thứ 2, vua ra tuần miền Bắc, Điển sung làm hầu tiếp sứ nước Thanh ở đầu địa giới tỉnh Bắc Ninh.
Năm Tự Đức thứ 2, sứ nước Thanh đến Kinh tuyên phong, Điển sung vào hầu tiếp sứ, ứng đáp đắc thể. Khi làm Tổng đốc Định - Yên có nhiều chính sách nhân huệ, nên sau khi Điển chết người quận ấy truy nhớ mãi” (Đại Nam liệt truyện, tập 3, quyển 20, bản dịch của Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, 2006).
Phạm Văn Nghị, một vị đại khoa rất có uy tín của Nam Định đã không tiếc lời ca ngợi tài năng và đức độ của Nguyễn Văn Điển, nội dung hiện còn trên văn bia ở lăng mộ của ông tại Cẩm Hà: “… Ngài chế đài Nguyễn Tướng Công, ôn hòa độ lượng, mát mẻ như gió thoảng xa nên khoa thế 3 quốc triều ta, đấng hiền tài sớm đạt, trải hoạn đồ hơn 30 năm. Làm việc chánh không nhiễu phiền, ơn xuống đến kẻ thôn ở, người đều hưởng nhờ hòa khí, tình thâm đến kẻ hào thân.
Xử sự tròn mà thông suốt nên việc không ứ đọng, thận kính mà giản đơn nên người người đều thân mến. Ân cần mà nghiêm lệ, tiếp vật khoan hằng bình dị gần dân, kẻ trí không hoảng hốt, người ngu thì được dạy răn, phân biệt rõ hình tích, không xa lìa thế tục.
Kiện thưa thì lấy tình mà thỏa xử, kiềm chế mà có pháp luật, không vì cớ gì mà để người dân phải bị nghiêm khắc. Có tật dịch thì phái người cho thuốc trị. Năm bị úng hạn thì tự mình cầu đảo và tâu xin phát chẩn, dân có nể hồi sinh sau cơn khát đói và tâu xin hoãn thuế khóa. Kẻ hương lý không ai lo tay không.
Việc công thong thả không quên Nho thuật, lấy văn chương mà làm thân với học giả, họ đều vui cười được vị nho sư đầm ấm cái phong khí đại nhã. Quan cai trị mà đến với dân để cổ lệ sĩ phu như nắng mùa đông và bóng mát mùa hạ…”.
Mấy ai làm quan ở đất “văn vật” mà được sĩ dân ngợi ca như thế. Quả là hiếm thấy!