Khám phá 6 nền văn hóa phố cổ Hội An đặc trưng
- Thứ tư - 07/10/2020 04:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ thế kỉ 17, Hội An đã trở thành thương cảng sầm uất nhất khu vực Đông Nam Á. Người phương Tây tới đây buôn bán gọi Hội An bằng cái tên Faifo, người ta chỉ biết đến cái tên này thông qua cách gọi của các thương nhân phương Tây chứ chưa ai có thể lí giải ý nghĩa cùng như nguồn gốc xuất hiện của nó. Mọi người biết đến Hội An nhiều với vị trí là thương cảng buôn bán tấp nập, hay là một con đường tơ lụa trên biển nhưng không mấy ai biết Hội An có một bề dày văn hóa đã hình thành trước TCN tới cả nghìn năm. Chính vì những nét văn hóa đặc sắc, Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Văn hóa Hội An – Sự giao thoa của các nền văn hóa cổ
Nằm ở trung tâm miền Trung của Tổ quốc, với sự phát triển lâu đời, Hội An chính là một bức tranh thu nhỏ xã hội của ba nền văn hóa cổ đã từng hiện diện ở đây. Đó là văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa và văn hóa Đại Việt.
Văn hóa Sa Huỳnh
Văn hóa Sa Huỳnh cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo là ba nền văn hóa lớn, tạo thành tam giác văn hóa trong thời kì đồ sắt ở Việt Nam. Dải đất miền Trung chính là khởi nguồn của văn hóa Sa Huỳnh hình thành khoảng năm 1000 TCN.
Tại Hội An, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật chứng minh ở đây từ rất sớm đã có cư dân tới sinh sống và tạo nên nền văn hóa Sa Huỳnh rực rỡ. Ở các điểm di trú cư trú và di tích mộ táng như Hậu Xá, An Bang, Thanh Chiếm, Trăng Sỏi, Xuân Lâm, Đồng Nà đã tìm thấy nhiều loại hình mộ chum (đặc trưng mai táng của người Sa Huỳnh); các công cụ sản xuất sinh hoạt; đồ trang sức bằng đá, gốm, thủy tinh, kim loại… với niên đại trên dưới 2000 năm, tức là thời kì hậu kì Sa Huỳnh. Ngoài ra, tại di chỉ Bãi Ông (Cù Lao Chàm) đã phát hiện những di vật có niên đại hơn 3000 năm, thuộc thời tiền sử Sa Huỳnh.
Đặc biệt tại các điểm khảo cổ còn phát hiện ra nhiều hiện vật đồng mang dáng dấp văn hóa Đông Sơn (phía Bắc) và văn hóa Óc Eo (phía Nam); những hiện vật bằng sắt kiểu nhà Tây Hán (Trung Quốc) cùng với đó là một số đồ trang sức mã não, thủy tinh với công nghệ chế tác tinh luyện có nguồn gốc từ Ấn Độ, Srilanka, Trung Quốc,… Thời kì này người ta cũng phát hiện được hai loại tiền đồng Ngũ Thủ và Vương Mãng thời Hán. Điều này chứng mình người dân Hội An thời kì Sa Huỳnh đã có giao lưu rộng rãi bên ngoài, khẳng định từ thời kì đó nền ngoại thương đã manh nha hình thành ở Hội An.
Ngày nay văn hóa Sa Huỳnh không còn hiện hữu nhiều ở Hội An, nếu muốn tìm hiểu về một nền văn hóa rực rỡ đã lụi tàn ở mảnh đất phố Hội du khách có thể tới Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh số 149 đường Trần Phú.
Văn hóa Champa
Dưới thời trị vì của Vương quốc Champa từ thế kỉ II đến thế kỉ XVI, vùng đất Hội An lúc bấy giờ có tên gọi là Ấp Lâm phố. Người Champa được biết đến là những cư dân thông minh và giỏi trong việc buôn bán. Dựa vào địa hình thuận lợi ở Hội An, người Champa đã biến Đại Chiêm Hải Khẩu (Cửa Đại) và Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm) trở thành điểm dừng chân quan trọng trên con đường hàng hải quốc tế. Lâm Ấp phố lúc này thu hút rất nhiều thuyền buôn Ả Rập, Ba Tư, Trung Hoa đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Các mặt hàng được buôn bán phổ biến thời đó là tơ tằm, ngọc trai, vàng, trầm hương, nước ngọt,… Đặc biệt, người Champa đã phát hiện ra giá trị của trầm hương, đưa mặt hàng này trở thành sản phẩm buôn bán đắt giá thời đó. Những dấu tích cho sự phát triển thương mại của Lâm Ấp phố đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và trung tâm tôn giáo – tín ngưỡng Mỹ Sơn.
Trong quá trình khảo cổ, các nhà khảo cổ đã tìm những di vật từ thời Vương quốc Champa như những mảnh gốm sứ Trung Quốc, Đại Việt, Trung Đông từ thế kỉ II – XIV và những mảnh vật dụng bằng thủy tinh màu nổi tiếng của vùng Trung cận Đông, Nam Ấn Độ,… Những di vật đó càng chứng minh cho sự thịnh vượng của thương cảng tại Lâm Ấp phố.
Những nền móng kiến trúc của văn hóa Champa còn lưu giữ tới ngày nay du khách có thể tham quan trong chuyến du lịch Hội An của mình như giếng nước Champa và pho tượng Chăm: tượng Nam thần tài lộc Kubera, tượng Thần Voi, tượng Vũ Công Thiên Tiên Gandhara,…
Văn hóa Đại Việt và thời kì sau này
Cái tên Hội An ra đời khi nhà nước Đại Việt tiếp quản vùng đất này. Những làng nghề truyền thống, lớp nhà cổ mang kiến trúc Việt cổ, lối sống sinh hoạt còn lưu giữ của người dân bản địa nơi đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự ảnh hưởng của nền văn hóa Đại Việt.
Kể từ thời Đại Việt cho đến sự cai trị của các vương triều sau này, Hội An đã phát triển đến một giai đoạn đỉnh cao nhất trước khi bị lụi tàn bởi chiến tranh. Những vết tích còn sót lại ở Hội An là minh chứng rõ nhất cho sự thịnh vượng từng có ở đây. Nếu có dịp tham gia tour du lịch Đà Nẵng – Hội An, bạn hãy ngắm nhìn những công trình kiến trúc, bảo tàng lịch sử ghi lại thời kì huy hoàng của Hội An một thời.
Văn hóa Hội An – Sự giao thoa văn hóa các nước phương Đông
Văn hóa Trung Hoa
Người Phúc Kiến, Trung Quốc là một trong những thương nhân có mặt ở Hội An sớm nhất lúc bấy giờ. Việc các thương nhân Hoa kiều theo thuyền sang Hội An buôn bán, trao đổi hàng hóa ngày một đông nên việc Hội An bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa như một lẽ tất yếu. Mỗi lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng ở những góc độ riêng nhưng kiến trúc và ẩm thực Hội An có lẽ là hai phương diện ảnh hưởng nhiều nhất văn hóa Trung Hoa.
Về kiến trúc, đến nay những công trình Hội quán của người Hoa đã và đang trở thành những điểm tham quan thu hút rất đông khách du lịch trong nước. Hội quán được Hoa kiều xây dựng với mục đích là nơi thờ cúng những vị thần bảo hộ, cầu mong cho việc làm ăn của họ thuận buồm xuôi gió, đồng thời đây cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của những người Hoa sống xa quê. Họ tới đây sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ nhau những khó khăn trong cuộc sống. Những công trình hội quán mang đậm lối kiến trúc của người Hoa. Về sau những công trình khác của người Việt xây dựng cũng có sự pha trộn của lối kiến trúc Trung Hoa như việc gian chính của ngôi nhà sẽ treo hoành phi, câu đối. Một số hội quán người Hoa mà bạn có thể ghé thăm khi tới du lịch Hội An là Hội quán Quảng Đông, hội quán Phúc Kiến, hội quán Triều Châu, hội quán Quỳnh Phú…
Về ẩm thực Hội An đặc trưng, sự ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thể hiện rõ nhất qua món cao lầu. Tuy nói rằng món ăn này được làm hoàn toàn thuần Việt nhưng không thể phủ nhận nó có ảnh hưởng phong cách món mì Trung Quốc. Ngay cả tên gọi của món ăn này cũng do người Hoa đặt.
Văn hóa Nhật Bản
Nếu để nói chính xác ai là những thương nhân đầu tiên đến Hội An thì đó chính là người Nhật Bản, từ cuối thế kỉ 16 họ đã theo thuyền buôm đến phố Hội làm ăn. Nhưng sau này số lượng thương nhân người Hoa lại chiếm ưu thế nên người ta có cảm nhận văn hóa Nhật Bản không còn rõ nét ở đây. Một biểu tượng thể hiện rõ văn hóa Nhật Bản vẫn còn lưu giữ ở Hội An là chùa Cầu. Ngôi chùa còn có tên gọi khác là chùa Nhật Bản. Chùa Cầu là một điểm đến hấ dẫn mà không du khách nào muốn bỏ lỡ nếu đến đi du lịch Hội An. Ngoài ra trên tấm bia Phổ đà Linh sơn Trung Phật ở động Hoa Nghiêm – Ngũ Hành Sơn có ghi tên 16 người Nhật cúng dường, trong đó có 5 gia đình Nhật – Việt ở Hội An. Điều đó chứng tỏ ngoài việc kinh doanh buôn bán, những người Nhật sinh sống tại Hội An cũng đóng góp rất nhiều trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa ở đây.
Để hiểu rõ hơn văn hóa Nhật Bản in dấu trên đất phố Hội, du khách có thể tới thăm chùa Cầu và ba ngôi mộ của ba thương nhân Nhật Bản.
Văn hóa Việt
Văn hóa Việt ngày nay ở Hội An thể hiện qua lối sống của người dân nơi đây. Con người Hội An thân thiện, dễ mến, lại cần cù chăm chỉ giống với đặc trưng tính cách của con người Việt Nam ta.
Để đánh giá về Hội An, người ta hay có câu “một bước chân qua ba nền văn hóa”. Câu nói ấy có nghĩa là chỉ cần đặt trên đến Hội An bạn có thể trải nghiệm ba nền văn hóa Nhật Bản – Trung Quốc – Việt Nam.
Ngoài ba nền văn hóa chính đó, Hội An cũng tiếp nhận những luồng văn hóa phương Tây đến từ các thương nhân Hà Lan, Tây Ban Nha,… và văn hóa phương Đông từ các nước Ấn Độ, Ba Tư,… Nhưng sự ảnh hưởng này chỉ ở mức hạn chế, chưa tác động rõ rệt đến văn hóa Hội An.