Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Di sản “thổi hồn” tăng trưởng

Qua hơn hai thập niên với nhiều nỗ lực trùng tu, bảo tồn không ngừng nghỉ, có thể nói “miền di sản” của Quảng Nam đã thổi hồn mạnh mẽ vào sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch địa phương.
TNB 10140 01
Lượng du khách đến Quảng Nam đạt hơn 6,5 triệu lượt trong năm 2018. Ảnh: Q.T

“Quả ngọt” tăng trưởng

Tháng 8.1991, khách sạn đầu tiên ở Hội An đi vào hoạt động, đánh dấu bước khởi đầu về hoạt động du lịch thuở “sơ khai”  tại đô thị cổ Hội An nói riêng cũng như cả Quảng Nam nói chung. Tuy nhiên, đến năm 1995 tổng lượt khách du lịch đến Hội An vẫn chỉ mới đạt khoảng 91 nghìn lượt - một con số khiêm tốn khi so sánh với các điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta thời đó. Tại buổi tọa đàm “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An chia sẻ: “Trước năm 2009, năm nào Hội An cũng tổ chức cứu trợ lương thực cho Cù Lao Chàm và một số khu vực vùng ven nhất là vào dịp Tết Nguyên đán”.

Quay lại thời điểm những năm 1990, ngay cả Hội An chỉ là một “thị xã dưỡng già” thì có thể phần nào tưởng tượng được khung cảnh Khu đền tháp Mỹ Sơn khi ấy quạnh quẽ ra sao. Họa sĩ người Nhật Bản Toba Mika (người chuyên vẽ tranh nhuộm Katazome và gắn bó sâu đậm với Việt Nam) bộc bạch rằng, bà không hề biết những hố sâu lởm chởm mà mình bước qua trong khu đền tháp là tàn tích của bom đạn còn sót lại. Cỏ dại mọc um tùm khắp nơi và tất nhiên không hề có bóng dáng của du khách.

Thời điểm những nỗ lực trùng tu, bảo tồn của địa phương được quốc tế đánh giá cao và ghi nhận cũng gần khớp với thời gian Quảng Nam vừa chia tách (năm 1997) và gặp vô vàn khó khăn khi là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Từ một địa phương “trắng du lịch”, dựa vào đòn bẩy từ di sản, đến năm 2018 tổng doanh thu từ ngành du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng và chiếm 15% GRDP toàn tỉnh. Từ bước đệm của di sản và sự tương tác của du lịch, nhiều “đặc sản” của Quảng Nam đã vươn tầm và trở thành thương hiệu nhận diện đặc trưng cho vùng đất này. Từ chỗ “lò dò” thu hút khách du lịch, đến năm 2018 Quảng Nam đã thu hút được 6,5 triệu lượt khách và đã xuất hiện tình trạng “quá tải cục bộ” lượng khách đến một số điểm du lịch.

Trong năm 2018, cao lầu được đài CNN (Mỹ) bình chọn là một trong 10 món ăn đường phố ngon nhất Việt Nam. Đồng thời mỳ Quảng, cao lầu, bê thui Cầu Mống và cơm gà được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chọn vào tốp 100 đặc sản tiêu biểu Việt Nam. Mới đây nhất, đô thị cổ Hội An đã dẫn đầu tốp 15 thành phố du lịch hấp dẫn nhất thế giới theo bình chọn của độc giả trang “Travel and Leisure” và lần đầu được vinh danh trên Google Doodle. Những vùng đất mà ông Nguyễn Sự đề cập về việc nhà nước phải tổ chức cứu trợ, giờ trở thành những “điểm hẹn” bùng nổ về du lịch như: Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh, An Bàng…

Nhìn về cộng đồng

Những người cao niên ở phố Hội vẫn hay nhắc nhau về câu chuyện của ngày cũ, ngày Hội An là một thị xã hiu hắt mà họ hay than thở là còn nghèo xác xơ hơn dân các huyện lân cận. “Hồi đó đất ruộng thì eo hẹp, không có nhiều để canh tác, còn ai chạy chợ buôn gánh bán bưng thì bữa được bữa mất khiến nhiều người tản dạt về các vùng quê vì dễ sinh sống hơn” - bà Nguyễn Thị Hải (trú phường Thanh Hà) bộc bạch. Qua rồi những ngày cơ cực, dấu ấn từ di sản đã thổi “luồng gió mát” cho một bộ phận lớn cộng đồng cư dân đô thị cổ Hội An. Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, doanh thu từ hoạt động bán vé ở hầu hết điểm du lịch tại Hội An chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu từ hoạt động du lịch nên cộng đồng và doanh nghiệp được hưởng lợi lớn để có động lực tiếp tục thúc đẩy hoạt động du lịch ở địa phương.

Ở thái cực ngược lại, cộng đồng cư dân “vệ tinh” của Khu đền tháp Mỹ Sơn chưa thể bắt nhịp được với di sản và hoạt động từ du lịch để thay đổi sinh kế, cuộc sống. Có quá nhiều lực cản được đề cập như vị trí địa lý, đặc thù di sản cũng như sản phẩm, nhân lực du lịch nhưng đến nay vẫn hiển hiện khiến cộng đồng địa phương vẫn chưa “hái ra tiền” từ du lịch. Ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên nhìn nhận: “Ngoài khoảng 57 tỷ đồng (năm 2018) thu được từ tiền bán vé tham quan khu đền tháp thì chưa có gì khác để xem ngành du lịch là trọng điểm của huyện. Việc không có sản phẩm du lịch đặc sắc về đêm khiến du khách chỉ đến Mỹ Sơn rồi rời đi trong ngày”.

Rõ ràng đã có sự tương phản giữa “di sản ở phố” và “di sản ở làng”. Ở một khía cạnh khác của Mỹ Sơn, có thể nói di sản vẫn có khoảng cách với cư dân địa phương. Ông Nguyễn Phước Hùng - Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) chia sẻ: “Người dân trong làng trước kia rất đồng lòng vì mục tiêu bảo tồn khi chấp nhận bán hết đàn trâu bò là sinh kế chính để khỏi tổn hại di sản, nhưng đến nay hầu hết vẫn loay hoay với nhiều công việc chứ chưa thể sống dựa hẳn vào du lịch”. Trùng tu, bảo tồn di sản đã đánh thức vùng đất huyền thoại này nhưng chưa thể “thổi” vào cộng đồng một động lực đủ lớn để thôi những ngày nhọc nhằn. Thẳm sâu trong đôi mắt, cư dân ở đây vẫn đau đáu muốn mình “gắn liền” hơn với di sản theo một cách nào đó miễn là giúp cuộc sống họ tốt hơn.

 28/08/2019 13:43 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: QUỐC TUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây