Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Dấu xưa Cồn Động

Địa bộ xã Thanh Hà đươc lập vào triều Nguyễn, là một xã tương đối rộng lớn có 13 ấp gồm Hậu Xá, An Bang, Nam Diêu, Bộc Thủy, Thanh Chiếm, Bàu Súng, Bàu Ốc, Đồng Nà, Bến Trễ, Trảng Kèo, Cửa Suối, Trà Quế, Cồn Động. Ấp Cồn Động là ấp hình thành sau cùng, ngăn cách bởi dòng sông Cổ Cò. Vào cuối thế kỷ XVII, một cai đội triều đình Huế, là người họ Nguyễn Viết - một trong bát tôn tiền hiền của xã, từ Thanh Chiếm đến khai hoang lập ấp Cồn Động.
lang thanh hoang ccoong dong
Lăng Thành hoàng Cồn Động (nay là Tân Thành, Cẩm An).
 

      Tương truyền rằng, ông là người có công lớn, khai phá đất hoang thực hiện những cuộc di dân, mở rộng cương vực của xã. Ông đã xin quan tổng đốc tỉnh, một đường cày bằng trâu để khai phá đất hoang trên dải đất còn hoang sơ nằm liền đất, liền sông giữa hai xã An Bàng và xã Phước Trạch thuộc Tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn.

      Hiện không rõ ngài họ Nguyễn Viết tên húy, ngày tháng năm sinh, năm mất vì trải qua chiến tranh gia phả chi họ ngài bị hư hại, sau này con cháu sao lục lại không rõ tông tích.

      Đường cày khai hoang bắt đầu từ ranh giới Ba Lăng, Xóm Thới, An Bàng đến giáp giới ấp Phước Thái, xã Phước Trạch thì đứt nài trâu và ông sai người đóng cọc mốc làm ranh giới khai sinh ra ấp Cồn Động (nay là khối Tân Thành và 1 phần đất thuộc khối An Bàng, khối Tân Thịnh, phường Cẩm An). Kể từ đây, Cồn Động là ấp thứ 13 của xã Thanh Hà, thuộc tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn - là vùng đất duy nhất với địa hình đặc trưng ngăn cách bởi sông và giáp biển Đông của xã.

      Những cọc mốc tồn tại hàng trăm năm lở bồi cùng dòng sông Cỏ Cò chảy qua làng. Tiếc thay đến năm 2010, việc quy hoạch làng chài Cẩm An đã cày ủi, hiện không còn dấu vết.

lang thanh hoang
 
 

      Ban đầu là con cháu dòng họ Nguyễn của ngài cai đội sinh sống, canh tác chủ yếu ở trung tâm ấp. Thời gian sau, một chi nhánh họ Lê (gốc gác ở xã An Lưu, huyện Phú Vinh, phủ Triệu Phong nhưng trước đây đến cư trú tại Chợ Được, Thăng Bình) đến sinh sống khai phá đất đai ở phía nam ấp. Họ Phùng - một trong 5 tộc tiền hiền làng khai sinh ra làng Hà Gia, Điện Bàn đến khai phá phần lớn đất ruộng lúa gieo (lúa đăng) và đất màu phía nam ấp (ranh giới sát Ba Lăng ngày nay).

      Sau là con cháu các dòng họ Dương ở Hà Quảng xuống, họ Võ từ Phước Trạch lên, họ Dương (một trong 5 tộc tiền hiền khai sinh ra làng Đế Võng) sang cư ngụ  và nhiều tộc họ khác cộng cư trên ấp Cồn Động.

      Tên gọi Cồn Động được định danh bởi đặc điểm về địa lý, điều kiện tự nhiên, hình thể địa chất của dải đất ven sông Cổ Cò phù sa màu mỡ, bao bọc bằng những cồn, động cát cao ngất trải dài theo địa hình sông - biển.

      Đây là dải đất trù phú ven sông nhà cửa san sát nhau. Mặc dù, sinh sống liền cùng một vùng đất liền kề nhưng phong cách, ngữ âm của người Cồn Động giống với Thanh Hà hiện nay nhiều hơn hai làng bên cạnh.

      Theo nghệ nhân Nguyễn Lành, cư dân làng gốm Thanh Hà từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào chủ yếu bằng đường biển đầu tiên, họ dạt vào sinh sống ở Cồn Động. Sau một thời gian thì vượt sông Cổ Cò về phía tây và lập nghiệp tại ấp Nam Diêu, Thanh Hà bằng nghề làm gốm thủ công truyền thống. Điều này, có thể là nguyên cớ để một trong số tộc họ trở lại khai sinh là ấp Cồn Động xưa chăng?.

      Về tín ngưỡng, sau di dân ổn định, để tưởng nhớ tiền nhân, nhân dân Cồn Động đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng nhiều thiết chế văn hóa để thờ cúng. Tiêu biểu là lăng Thành hoàng để thờ Thành hoàng và tiền hiền, hậu hiền trên khuôn viên hơn 1.000m2, lăng được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2016. Lăng Cô bác (chiến tranh đã làm hư hại), lăng Ngư ông, lăng Ngũ hành (hiện nay đã xây mới).

      Đặc biệt là lăng Ông xã Thanh Hà ở cuối ấp, giáp ranh xã Phước Trạch. Đây là công trình đồ sộ nhất của ấp, khuôn viên lăng hàng ngàn mét vuông, các cấu kiện chủ yếu bằng đá một loại đá giống với đình đá An Bàng, móng lăng, móng hàng rào bằng đá san hô, mặt tiền lăng hướng ra sông Cổ Cò, trước mặt lăng có một bãi đất bồi đủ để lên nề ghe, loại ghe chủ yếu lúc nấy giờ là ghe bầu, ghe mê. Nền móng hiện nay cũng đã bị san ủi làm khu đô thị.

      Sau Cách mạng tháng Tám 1945, để tiện cho việc lãnh đạo kháng chiến kiến quốc, Cồn Động đổi tên thành thôn Tân Thành, khu Tuy Nhạc, thị xã Hội An. Các tộc họ dừng bước lưu dân vốn có nghề đánh bắt thủy sản trên sông, biển và nông nghiệp khi đến đất Cồn Động sinh sống bên sông Cổ Cò như là chốn “đất lành chim đậu”, đã không ngừng nỗ lực lao động, sáng tạo làm vẻ vang một vùng đất hiền hòa.

      Khi mới hình thành vùng đất này rất trù phú, nhà cửa san sát nhau nhưng thời gian thay đổi bao điều, chiến tranh xảy ra, làng quê xơ xác, tiêu điều, những vuông đất không níu giữ được phận người vì cuộc mưu sinh. Những mảnh đời đành phải phiêu dạt muôn phương đến tận Bình Tuy, Sài Gòn, Nha Trang, Long Khánh, Tây Nguyên… nhưng lúc nào cũng không nguôi nhớ về quê cha đất tổ. Khi có dịp về thăm quê, việc đầu tiên của những người con xa xứ là đến thắp nén nhang dâng lên Thành hoàng ấp, như một lẽ tự nhiên của người Cồn Động.

      Ngày nay, vùng đất Cồn Động, không còn là vùng đất đặc trưng như hình thể của nó mà đã trở thành những khu phố. Những dấu tích về văn hóa - lịch sử còn lại rất ít ỏi, thế hệ trẻ hôm nay ít am hiểu về lai lịch vùng đất mình đang sinh sống.

      Nhằm tỏ lòng tri ân tiền nhân đã có công khai hoang lập ấp, khi góp ý đề án đặt tên đường, chúng tôi đề nghị đặt một tên đường Cồn Động tương ứng với chiều dài ấp Cồn Động xưa là cần thiết. Điều này cũng đã được thành phố Hội An đưa vào quỹ tên đường, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau con đường Cồn Động không thành hiện thực, con đường dự kiến đó được đặt tên Tuy Nhạc. Đó cũng là điều đáng tiếc

Tác giả: PHÙNG TẤN VINH

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây