Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Chống đỡ các di tích xuống cấp trong phố cổ

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 5 (tên quốc tế là Noul) và tình hình mưa lũ, diễn biến bất thường của thời tiết trong thời gian đến, từ sáng 17-9, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) đã triển khai lực lượng, phối hợp cùng các địa phương, lực lượng liên quan trên địa bàn thành phố Hội An triển khai công tác phòng chống lụt bão cho các di tích trong khu phố cổ năm 2020.

Chống đỡ Chùa Cầu.

Hiện nay với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt dự báo về đường đi của cơn bão số 5 trong thời gian đến có thể cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, cấp 4, khi bão cập bờ sức gió cấp 12, giật cấp 14, khu vực Hội An nằm trong vùng tâm bão có thể đi qua. Tình hình mưa bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Hội An. Vì vậy, để chuẩn bị cho công tác ứng phó với tình hình thời tiết xấu, đồng thời để đảm bảo cho tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là người dân sống trong di tích khu phố cổ, Trung tâm đã có công văn đề nghị UBND 3 phường Minh An, Sơn Phong và Cẩm Phô thuộc khu vực khu phố cổ phối hợp triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt bão di tích trong khu phố cổ.

Khảo sát của Trung tâm về tình hình các di tích xuống cấp trong Khu phố cổ trước mùa mưa bão năm 2020 cho biết, tổng số di tích xuống cấp là 34 di tích, trong đó có 9 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 8 di tích xuống cấp nhẹ và 17 di tích xuống cấp nặng. Cụ thể, các di tích nhà cổ nằm trên các trục đường sau: Đường Trần Phú (7 di tích); Nguyễn Thái Học (6 di tích); Bạch Đằng (3 di tích); Phan Châu Trinh (4 di tích); Nguyễn Huệ (2 di tích); Tiểu La (2 di tích); Hai Bà Trưng (2 di tích); các đường Hoàng Văn Thụ; Lê Lợi; Trần Quý Cáp; Nguyễn Duy Hiệu (đều có 1 di tích); Nguyễn Thị Minh Khai (2 di tích); Phan Bội Châu (2 di tích). Qua khảo sát, có 25 di tích được đề xuất chủ di tích tự thực hiện chống đỡ. Ngoài ra còn có 9 di tích không còn khả năng chống đỡ, đơn vị đề xuất hạ giải. 9 di tích qua khảo sát hư hỏng nặng, không còn khả năng chống đỡ, có khả năng bị sụp đổ.

Hầu hết các di tích này hiện không có người sinh sống. Tình trạng hư hỏng tập trung ở những phần như hư hỏng, hệ mái ngói âm dương bị dột, xuống cấp; kết cấu gỗ, đòn tay, rui lách, kèo, trính... bị hư hỏng, mối mọt xâm hại rất nặng. Một số di tích nhà trước 2 tầng đã từng chống đỡ nay không còn khả năng chống đỡ, cấu kiện gỗ xuống cấp nghiêm trọng; nhà sau lợp tôn chống dột, tu bổ nay cũng hư hỏng Trung tâm đã đề xuất chủ nhà không sinh sống trong di tích nữa, thực hiện hạ giải gồm các di tích sau: Nhà cổ số 12/11 đường Bạch Đằng, tình trạng toàn bộ hệ mái ngói và cấu kiện gỗ mái bị mối mọt xâm hại rất nghiêm trọng có khả năng sụp đổ. Nhà cổ số 34 đường Bạch Đằng, tường của toàn bộ ngôi nhà bị nứt nhiều nơi, tường mặt tiền bị ngã ra đường, hệ mái lợp tôn bị mục, không có người ở. Nhà thờ tộc Huỳnh - số 71/24 đường Phan Châu Trinh, mái ngói âm dương và kết cấu gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng chịu lực. Ngoài ra còn có các di tích như: Các nhà cổ số 98, 07 và 7/2 đường Phan Châu Trinh; số 23, số 26 đường Tiểu La; số 76/18 đường Trần Phú.

Cán bộ Trung tâm QLBT DSVH kiểm tra chùa Cầu.

Bên cạnh đó, qua khảo sát thấy phần lớn các di tích hư hỏng, xuống cấp ở những vị trí như nếp nhà trước kết cấu gỗ, mái ngói âm dương bị dội dặm dọi lại nhiều lần, chắp vá; hệ kết cấu gỗ mái nếp nhà giữa hư hỏng nặng chống đỡ qua nhiều năm; nếp nhà sau bị hư dột mái nhà, cấu kiện gỗ mối mọt, cột, đà sàn, ván sàn, đòn tay rui lách,... bị hư hại, mối mọt và đã từng nhiều lần tu bổ, chống đỡ. Tùy theo tình trạng thực tế mà Trung tâm đưa ra đề xuất di dời cục bộ (tránh vị trí nguy hiểm), đề xuất chống đỡ...

Trung tâm QLBT DSVH Hội An đã đề nghị các địa phương cùng phối hợp thực hiện một số nội dung, phương án cụ thể sau: Tiếp tục thông báo đến các chủ di tích đặc biệt là các di tích xuống cấp đã có danh sách khảo sát trước mùa mưa bão 2020 có biện pháp chủ động kiểm tra, tự chống đỡ cho di tích của mình trước mùa mưa bão sắp đến. Trong trường hợp chủ di tích không có gỗ để chống đỡ thì có thể liên hệ Trung tâm QLBT DSVH để mượn gỗ về chống đỡ. Đồng thời Trung tâm QLBT DSVH vận động chủ di tích chặt tỉa các cành cây nằm trong vườn nhà nhằm tránh ảnh hưởng đến di tích khi có bão xảy ra; chủ động di dời đến nơi an toàn khi có bão lũ xảy ra, không sinh hoạt tại các vị trí nguy hiểm do di tích/nhà ở bị xuống cấp; Tiếp tục rà soát các di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trên địa bàn mình quản lý và thông báo cho Trung tâm QLBT DSVH để có kế hoạch khảo sát kịp thời có phương án chống đỡ cho di tích. Trong trường hợp khẩn cấp, cần thiết có sự hỗ trợ về chuyên môn trong công tác chống đỡ, ứng cứu cho di tích thì liên hệ với Trung tâm để được phối hợp, hỗ trợ.

Tác giả: Khiếu Thị Hoài

Nguồn tin: cadn.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây