Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Biến rác thành sản phẩm du lịch

Nhóm Green Youth Collective vừa tổ chức khóa học biến rác thải thành tài nguyên nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp du lịch về bảo vệ môi trường.
TNB 31716 03
Khóa học hướng dẫn cách xử lý rác thải hữu cơ. Ảnh: G.KHANG

Rác thải cũng là tài nguyên

Theo ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, mục đích khóa học nhằm chia sẻ cách thức xử lý rác thải hữu cơ để mỗi gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh du lịch đều có thể tự làm được, qua đó giúp lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, hướng đến lối sống tích cực. Tham gia khóa học, học viên được hướng dẫn quy trình phân loại các loại rác hữu cơ; cách xử lý, ủ lên men những mẫu thức ăn, rau củ quả thừa, hư hại biến thành phân hữu cơ bón cây trồng; kể cả xử lý trái cây hư, thừa thành nước enzym dùng tẩy rửa bát đĩa, giặt giũ, lau sàn nhà, nhà vệ sinh, bếp...

Việc phân loại xử lý rác thải hữu cơ không phải điều mới mẻ mà đã trở thành phong trào gợi cảm hứng cho nhiều cá nhân, hội, nhóm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự khác biệt của khóa học chính là cách giúp cộng đồng hiểu được vòng tuần hoàn của rác.

Ông Lodovico Ruggeri – chủ một doanh nghiệp du lịch tại Cù Lao Chàm chia sẻ, ông tham gia khóa học vì nhận thấy thực tế ai cũng có thể áp dụng được trong chính ngôi nhà của mình xuất phát từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, góp phần bảo vệ môi trường chung cho cộng đồng.

Theo bà Mai Thị Hồng Ngọc – Công ty Du lịch Hải Bàn, khóa học rất hữu dụng vì giúp mọi người biết thải rác đúng cách. “Mỗi người đều có phương pháp giảm rác thải khác nhau, nhưng theo tôi việc xử lý chất khí của rác thải mới quan trọng. Chúng ta phải làm thế nào để rác thải ra ít khí nhất chứ không phải là cách làm cho rác tự phân hủy nhanh nhất” - bà Ngọc chia sẻ.
 

TNB 31716 02
Khóa học hướng dẫn cách xử lý rác thải hữu cơ. Ảnh: G.Khang

Gần 10 năm trước, nhóm Green Youth Collective đã quan tâm nghiên cứu về môi trường, biến đổi khí hậu và rác thải… với mục tiêu giúp dung hòa giữa con người với thiên nhiên. Ông Lưu Hoàng Hà – thành viên nhóm Green Youth Collective Hội An cho rằng, khóa học nhằm chia sẻ kinh nghiệm của nhóm nghiên cứu nhiều năm qua về xử lý rác, giúp cộng đồng có cách nhìn nhận khác về rác, về đời sống của mình. Trước mắt, giúp họ tự xử lý được rác tại nhà, xa hơn nữa là chia sẻ với cộng đồng, bạn bè họ để cùng nhau giảm thiểu được lượng rác phát sinh hàng ngày. Quan trọng nhất, thay đổi khái niệm về rác, thay vì nghĩ là rác hãy nghĩ đó là một tài nguyên.

Du lịch tái tạo

Dù mới triển khai chưa lâu nhưng khóa học về xử lý rác thải hữu cơ đã được nhiều người quan tâm chia sẻ. Theo ông Phan Xuân Thanh, dự kiến chương trình sẽ được tổ chức Chủ nhật hàng tuần dành cho những ai có nhu cầu. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các nhóm như homestay, villa du lịch; cà phê, giải khát; nhóm nhà hàng, nhóm doanh nghiệp, người dân và trường học…

“Tôi muốn biến rác thành tài nguyên, đưa vào du lịch để nâng giá trị sản phẩm du lịch. Xu hướng du lịch hiện nay không chỉ là hưởng thụ được cái gì mà quan trọng học được gì qua chuyến đi. Đó gọi là du lịch tái tạo” - ông Thanh phân tích.

Tại nhà hàng Full Moon Hội An, ông Thanh tổ chức nuôi hơn 100 con gà ta cho ăn rau, củ, quả thừa. Phân gà được thu gom ủ với trấu bón cho cây trồng tạo nên vòng tuần hoàn khép kín. Khách tham gia tour sẽ được trải nghiệm các công đoạn xử lý rác vô cơ thành phân và thưởng thức các loại rau, củ, quả được chăm bón theo phương pháp hữu cơ cũng như thưởng thức thịt gà nuôi bằng phương pháp này.

Nếu xu hướng trước đây là du lịch xanh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch bền vững thì bây giờ, nhất là sau dịch bệnh, thiên tai, chúng ta phải hướng đến các sản phảm du lịch tái tạo. Đây là điều bắt buộc để mỗi du khách đến Hội An, Quảng Nam phải cùng chung tay đóng góp vào sự tái tạo đó.

Trong tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp như hiện nay, một số ý kiến cho rằng, việc quá phụ thuộc vào các tài nguyên có sẵn sẽ dễ dẫn đến sự nhàm chán. Do đó, tái tạo tài nguyên, phát triển những sản phẩm dịch vụ mới gần gũi thiên nhiên, đề cao trách nhiệm của khách cũng là cách hướng đến sự phát triển bền vững.

“Khi chúng ta nói đến sản phẩm du lịch có nghĩa là một tài nguyên du lịch cộng với một dịch vụ nào đó. Hiện nay, chúng ta mới chỉ khai thác hưởng thụ những tài nguyên có sẵn của tự nhiên, văn hóa mà quên tái tạo các tài nguyên đó. Vì vậy khóa học sẽ là khởi đầu cho sự lan tỏa bền vững mở đầu cho chuỗi tour du lịch tái tạo sau này” - ông Thanh nói.

24/11/2020 08:00 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: GIA KHANG

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây