Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Ba trăm năm một bức hoành phi

Bức hoành phi viết ba chữ Hán “Lai Viễn kiều” theo kiểu Lệ thư do chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng vào năm 1719, đến nay vừa tròn 300 năm.
images1515368 TCT 5606

Bức hoành phi “Lai Viễn kiều”.

Chùa Cầu là một công trình kiến trúc đặc biệt, minh chứng rõ nét cho những “giá trị không trùng lặp”, thể hiện sự giao lưu, tiếp biến văn hóa của di sản văn hóa đô thị cổ Hội An. Theo ông Trần Văn An -  Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện có một bức hoành treo trên ngưỡng cửa vào miếu Bắc Đế Trấn Võ nằm về phía bắc Chùa Cầu, dài 158cm, rộng 60cm, nền sơn đỏ, chữ và các họa tiết thếp vàng. Bên ngoài bức hoành có viền rộng 10cm trang trí 6 hình rồng 5 móng, chứng tỏ đây là một bức hoành do vua chúa đề tặng. Viền phía trên và dưới trang trí lưỡng long tranh châu, quả châu, mây lửa và hình dáng rồng mang phong cách mỹ thuật thời các chúa Nguyễn rõ nét, phân biệt với hình rồng mây sau này. Viền hai bên trang trí đề tài hồi long với hai hình rồng uốn từ trên xuống chầu vào bức hoành.

Giữa bức hoành là 3 chữ Hán “Lai Viễn kiều” được viết theo kiểu Lệ thư. Vị trí lạc khoản bên phải có một dấu hột xoài đứng, kích thước lớn, chữ bên trong bị các lớp sơn phủ kín không đọc được. Bên trái là dòng chữ “Quốc chúa Thiên Túng đạo nhân đề”. Tiếp theo bên trái dòng chữ, phía dưới có hai dấu ấn vuông, kích thước tương đương nhau: 6,5cm x 6,5cm. Dấu trên khắc 6 chữ triện theo thứ tự 2 - 2 - 2 “Phúc Chu Nguyễn vương chi ấn” (福週阮王之印). Dấu dưới được khắc 4 chữ triện theo thứ tự 2 - 2 “Kỳ mệnh duy thiên” (其命惟天).

Học giả Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục viết: “Thái phó Tộ Quốc công là người hiếu học, chữ tốt, có tài lược văn võ…”. Với tài thao lược sẵn có lại nuôi chí mở rộng bờ cõi, thống nhất bắc - nam nên Nguyễn Phúc Chu nhiều lần tuần du ra Quảng Bình, Bố Chính, vào Quảng Nam để duyệt xét, chỉnh đốn binh mã. Một trong những lần đó diễn ra vào tháng 3 năm Kỷ Hợi 1719 và chúa Nguyễn Phúc Chu đã đặt chân đến phố Hội An. Tại đây, trông thấy phía tây phố có một chiếc cầu ngói, nơi ghe thuyền nước ngoài tấp nập lui tới buôn bán, Chúa đã ngự ban tên là Lai Viễn kiều, cho khắc biển sơn son thếp vàng ban tặng.

Ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết thêm một số thông tin về quy mô, vị trí của Chùa Cầu, đặc biệt là thông tin về chủ thể đầu tiên đứng ra xây dựng Chùa Cầu là thương nhân Nhật Bản tại Hội An. Thông tin này trùng với nội dung ghi tại tấm bia trùng tu Chùa Cầu năm Gia Long Đinh Sửu (1817) do Đốc học Quảng Nam thời bấy giờ là Đinh Phiên soạn.

“Bức hoành phi đang lặng lẽ, bền bỉ làm nhiệm vụ kết nối quá khứ với hiện tại, đang thầm kể các câu chuyện về Hội An một thời mở cửa giao lưu kinh tế - văn hóa với bên ngoài, về một vị chúa có nhiều công lao trong phát triển đất nước, củng cố vương quyền ở Đàng Trong” - Ông Trần Văn An nói.

24/03/2019 08:20 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: QUỐC HẢI

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây