Câu chuyện văn hóa đọc

Thứ hai - 21/04/2014 03:31
Vai trò của sách, nói như tiến sĩ Ngô Sĩ Liên (nhà sử học thời Lê sơ, sống vào thế kỷ XV) thì: “Những điều ghi chép trong sử sách luôn tỏ rõ sự phải trái, công bằng yêu ghét, vinh hơn hoa cổn, nghiêm hơn búa rìu. Đó đúng là cái cân, là cái gương của muôn đời vậy…”. Nhân Ngày sách Việt Nam 21.4, chúng ta cùng nhìn lại văn hóa đọc và cách phục hồi văn hóa đọc ở Hội An…

 

Nhà văn Nguyên Ngọc trò chuyện với các em thiếu nhi tại không gian đọc Hội An.
Nhà văn Nguyên Ngọc trò chuyện với các em thiếu nhi tại không gian đọc Hội An.

            Hội An được xem là mảnh đất hội thủy, hội nhân, là thương cảng có mối quan hệ bang giao kinh tế - văn hóa với thế giới bên ngoài từ hàng trăm năm trước. Bên trong cái cổ kính rêu phong của phố Hội chứa đựng cả một câu chuyện dài về cốt cách ham học, ham đọc và ước muốn khám phá điều hay lẽ phải, khám phá những điều kỳ diệu, lý thú của thế giới xung quanh. Dấu tích của văn hóa đọc Hội An vẫn còn hiện hữu đâu đó bên trong những ngôi nhà cổ, nơi có những bậu cửa gỗ - chỗ ngồi đọc thú vị cho người đam mê sách, các khoảng trống thường gọi là giếng trời mà bất cứ ngôi nhà cổ nào cũng kiến tạo… Và, chúng ta cũng không quên nhớ về những hiệu sách đã từng có mặt tại Hội An hàng trăm năm trước, giờ chỉ còn sót lại cái bảng hiệu, như mách bảo với hậu thế rằng nơi đây đã từng là điểm đến của những người ham mê đọc sách ở phố Hội.
 

“Không ai bắt ta phải đọc một quyển sách hay xem một bộ phim. Chỉ khi nào việc đọc sách trở thành niềm thích thú, thích thú vô vị lợi… thì đó mới gọi là văn hóa đọc. Đọc sách sẽ cho ta biết nhiều câu chuyện, nhiều số phận khác nhau. Đó là điều rất quan trọng trong đời sống con người. Sách giúp ta “trí tưởng tượng tự sự”, giúp ta hình dung ra câu chuyện, số phận của người khác. Con người có được điều này thì mới có được sự đồng cảm với nhân loại…” (Nhà văn Nguyên Ngọc)

        Theo thạc sĩ Phùng Tấn Đông, do Hội An là một thương cảng bang giao quốc tế nên sách báo tiến bộ qua đường hàng hải đến đây khá nhiều. Và, trong thời buổi ấy, các nhân sĩ miền Trung thường hay lui tới Hội An để được đọc và tiếp cận với những tư tưởng, tri thức mới của thế giới. Cũng theo lời thạc sĩ Phùng Tấn Đông, ngày xưa, chỉ trong phạm vi một khu phố cổ nhỏ đã xuất hiện mấy chục cửa hiệu bán sách và cho thuê sách. Đó là chưa nói đến việc mỗi gia đình ở Hội An ngày xưa đều có tủ sách, con trẻ được đọc sách từ nhỏ và dần trở thành thói quen… Nhà văn Nguyên Ngọc - người gắn bó với Hội An từ rất lâu cũng cho rằng, người Hội An thời trước ham đọc sách từ nhỏ, thói quen và niềm say mê sách ấy dần lớn lên trong mỗi người, mỗi gia đình và rộng hơn là cả cộng đồng. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, cũng như nhiều vùng miền khác của Quảng Nam, thói quen và niềm đam mê sách của người phố Hội đã dần mai một. Đây là điều mà người Hội An cần suy nghĩ nghiêm túc trong tiến trình xây dựng một thành phố văn hóa, thành phố du lịch.
 

“Không gian đọc” bên trong những ngôi nhà cổ. Ảnh: NGỌC KẾT
“Không gian đọc” bên trong những ngôi nhà cổ. Ảnh: NGỌC KẾT

        Không phải ngẫu nhiên mà hồi cuối năm 2013, tại Hội An đã diễn ra một cuộc tọa đàm với tên gọi “Văn hóa đọc ở Hội An” thu hút nhiều người tham gia, trong đó có đông đảo sinh viên của Trường Đại học Phan Châu Trinh. Rõ ràng, đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc về văn hóa đọc ở thành phố du lịch Hội An. Muốn gợi lại trong tâm tưởng người Hội An niềm say mê đọc sách và hướng mọi lứa tuổi đến với sách thì cần có không gian thích hợp, đầu sách phong phú chủng loại, hấp dẫn người đọc để mọi người có thể đến và đọc, khám phá kho tàng kiến thức vô giá mà sách đem lại. Từ suy nghĩ chung ấy, một nhóm người trong đó có những người rất quan tâm đến sự phát triển văn hóa đọc như nhà văn Nguyên Ngọc, thạc sĩ Đỗ Thế - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh, thạc sĩ Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An hay thạc sĩ Phùng Tấn Đông... đã đứng ra thành lập “không gian đọc Hội An” ngay tại Bảo tàng Di sản văn hóa Hội An, với mong muốn sau một thời gian hoạt động, việc đọc sách sẽ trở thành nhu cầu trong đời sống của cư dân địa phương. Nhóm hoạt động phi lợi nhuận, tạo điều kiện để ngay cả những người bình thường nhất, bận rộn nhất cũng có thể tiếp cận việc đọc sách một cách dễ dàng. Theo đó, vào mỗi Chủ nhật, tại khuôn viên Bảo tàng Di sản Hội An, sách được đặt trên những kệ, bàn, độc giả có thể tự do ngồi trên ghế, cũng có thể ngồi ngay tại các bậc tam cấp hay trên những thảm cỏ để đọc sách.
 

           Một khi đọc sách trở thành nhu cầu bình thường, nói như nhà văn Nguyên Ngọc là “đọc để thích thú, để thấy mình sung sướng khi được khám phá tri thức nhân loại...” thì sách không bao giờ bị lãng quên trong đời sống. Muốn vậy, cần chú ý xây dựng thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cho các em học sinh, để các em có thể nuôi dưỡng niềm đam mê sách ấy suốt cuộc đời. Chúng ta cần kêu gọi những người ham đọc sách thành những tình nguyện viên nòng cốt để cùng khuyến khích, kêu gọi cộng đồng đọc sách. Bên cạnh đó, chính bố mẹ, nhà trường sẽ là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành, xây dựng văn hóa đọc cho thế hệ trẻ, gợi mở cho các em nên đọc loại sách gì, tiếp cận với cách đọc sách sáng tạo để việc đọc sách, khám phá tri thức có hiệu quả nhất.

 

;
 

Tác giả: NGỌC KẾT

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây